Thi trắc nghiệm có “bóp chết môn toán”?

09/08/2023
Trả lời phỏng vấn báo chí, GS.TS Nguyễn Hữu Dư (nguyên Chủ tịch Hội toán học Việt Nam) cho rằng “thi trắc nghiệm đang bóp chết môn toán” (Thi trắc nghiệm trong bối cảnh câu hỏi là kỳ thi tốt nghiệp THPT). Lý do theo GS Dư là “Môn toán đào tạo tư duy logic thì bài thi phải có tính suy luận chứ không phải là câu hỏi này thì đáp án là A, B, C hay D.”
🍎VẬY THI TRẮC NGHIỆM Ở KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT CÓ “BÓP CHẾT MÔN TOÁN HAY KHÔNG”?
Không chỉ có các lo ngại ở môn Toán, mà ở 1 số môn khác cũng có những lo ngại tương tự. Có đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là: các môn như vật lý, hóa học, sinh học rất cần kỹ năng thực hành, thí nghiệm, vậy thi trắc nghiệm làm thế nào để đánh giá được kỹ năng thực hành, thí nghiệm của học sinh?
Người khác lo ngại, các môn ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nga rất cần đánh giá được kỹ năng nghe nói, đọc, viết, giao tiếp, nhưng thi trắc nghiệm thì làm sao đánh giá được các kỹ năng này của học sinh…
Có lẽ 2 lo lắng trong các câu hỏi này:
1- Thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trắc nghiệm làm thế nào đo được tư duy logic toán học, kỹ năng thực hành – thí nghiệm của các môn khác?
2- Thi tốt nghiệp THPT mà không hỏi hay kiểm tra các kỹ năng này thì học sinh sẽ không chịu học và vì thế sẽ không có các kỹ năng này.

hinh 4

🍎Các câu hỏi trên có chính xác không?
Các câu hỏi trên là hoàn toàn đúng nếu đặt trong bối cảnh so sánh độ giá trị (validity) và độ tin cậy (reliability) của các phương pháp giảng dạy, đánh giá trong giáo dục với các chuẩn đầu ra của các môn học trong cả một tiến trình học tập từ cấp 1, 2, 3 (và cả đại học, và sau đại học). Nhưng các câu hỏi có thể không phù hợp khi: 1) nó chỉ quan tâm đến phương pháp đánh giá và 2) nó không cân nhắc mục tiêu chính và các điều kiện tổ chức của kỳ thi tốt nghiệp THPT với hàng triệu thí sinh mỗi năm.
Nghĩa là, để học sinh có kỹ năng tư duy toán học, thực hành – thí nghiệm trong vật lý, hóa học, sinh học, thực hành giao tiếp với môn ngoại ngữ thì cần ít nhất 3 thứ: 1) nội dung, 2) phương pháp giảng dạy, và 3) phương pháp đánh giá. Cả 3 phải đáp ứng các yêu cầu này trong suốt quá trình học từ nhỏ đến lớn chứ không chỉ dừng ở phương pháp đánh giá (hay kỳ thi). Như vậy các câu hỏi này cần hỏi “trong chương trình từ cấp 1, 2, 3 có dạy tư duy logic, thực hành, thí nghiệm hay không? Phương pháp dạy những thứ này là gì? Có phù hợp không?” rồi mới câu hỏi “Phương pháp đánh giá (kiểm tra, thi) có đánh giá những kỹ năng này không? Cách đánh giá có phù hợp không?”

hinh 1

Khi chỉ hỏi về phương pháp thi, người hỏi có thể đang giả định rằng các các kỹ năng như tư duy logic của toán, thực hành thí nghiệm của các môn khác đã được giảng dạy với phương pháp và nội dung phù hợp, nên nếu học sinh không có các kỹ năng này là do kỳ thi không tốt. Đây là 1 giả định cần nghiêm túc xem xét.
Mặt khác, để đánh giá đạt độ tin cậy và độ giá trị (nói ngôn ngữ bình dân là chính xác) thì phải: 1) đánh giá nhiều lần, 2) nhiều nội dung, và 3) đánh giá bằng nhiều hình thức khác nhau. Nghĩa là để đảm bảo biết được học sinh có năng lực tư duy logic toán học hay kỹ năng giao tiếng Anh văn hay không thì phải đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau (kiểm tra 15 phút, kiểm tra đầu giờ, thuyết trình, quan sát thực hành, quan sát giải bài tập, tự luận, trắc nghiệm, mô phỏng…), và thực hiện trong suốt quá trình học (từ lớp 1 đến hết lớp 12). Việc này các trường phổ thông và các thầy cô giáo đã và đang làm từ rất lâu. Học sinh muốn đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT thì đã phải vượt qua rất nhiều bài kiểm tra, đánh giá trong lớp trong suốt 12 năm học. Những thứ này mới là nền tảng chính khiến cho: học sinh có kỹ năng hay không và môn học có sống hay chết.
Không có 1 kỳ thi nào – một mình nó – có thể đảm bảo đánh giá đầy đủ và chính xác tất cả các chuẩn đầu ra của các môn học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng thế. Chỉ nên coi nó là 1 kỳ sát hạch cuối cùng, tập trung vào đánh giá kiến thức nền tảng rộng của hàng triệu thí sinh. Ưu điểm của nó là: 1) kiểm tra 1 khối lượng kiến thức bao quát mà tự luận khó thực hiện, 2) kết quả khách quan, chuẩn hóa, và so sánh được, 3) chi phí triển khai thấp hơn rất nhiều so với tự luận hay hình thức khác (ví dụ thực hành hay vấn đáp trong thi ngoại ngữ). Chi phí ở đây là chi phí với xã hội, với gia đình từng thí sinh.
Đến đây có thể thấy, việc học sinh có hay không có tư duy logic, kỹ năng thực hành, thí nghiệm không chỉ phụ thuộc vào các kỳ thi, mà còn phụ thuộc rất lớn vào nội dung, phương pháp giảng dạy trong suốt 12 năm học.
Cũng rất công bằng để hỏi: chúng ta đã chuẩn bị nội dung và dạy tư duy logic toán cho hàng trăm thế hệ học sinh như thế nào? Đã có nghiên cứu nào hay bằng chứng nào cho thấy tư duy toán của các thế hệ trước đây (thi tự luận) tốt hơn các thế hệ thi tốt nghiệp THPT bằng trắc nghiệm? Có chắc rằng quay lại thi tự luận như trước thì tư duy toán của triệu triệu thí sinh sẽ tốt hơn chăng?
🍎Các câu hỏi trắc nghiệm có thể đánh giá tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy toán hay không?
Trong giả định của mình, GS Dư đã cho rằng trắc nghiệm không thể đo được tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy toán học. Có phải thế chăng?
Đúng là các câu hỏi trắc nghiệm thường dùng để đo các mức nhận thức ở bậc thấp của thang Bloom như nhớ, hiểu, ứng dụng. Tuy nhiên điều đó hoàn toàn không có nghĩa là hình thức thi trắc nghiệm không đo được các bậc cao hơn như logic, phân tích, đánh giá, phản biện. Các bài thi như SAT (1 dạng bài thi tốt nghiệp THPT), GMAT (thi đầu vào các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ về quản trị kinh doanh), GRE (thi đầu vào các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật) đều sử dụng hình thức trắc nghiệm và các đề thi này đầu tập trung đo lường kỹ năng tư duy logic, phân tích, phản biện, đánh giá.
Tất nhiên, như đã nói ở trên, không có 1 bài thi riêng lẻ nào dù được thiết kế tốt đến mấy có thể đảm bảo tuyệt đối độ tin cậy và chính xác – nhưng các ví dụ ở trên cho thấy trắc nghiệm không hề bó tay trong việc đo lường tư duy logic, phản biện, và tư duy toán học.
🍎Thi tốt nghiệp THPT bằng trắc nghiệm có giết chết môn toán?
Có thể thấy, không một kỳ thi nào có thể, một mình nó bóp chết môn toán. Và ngược lại, nếu chuyển về thi tự luận thì môn toán cũng không vì thế mà huy hoàng. Môn toán hay bất kỳ môn học nào sẽ sống vì: 1) nó đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống, 2) nó được biên soạn và giảng dạy khoa học, 3) nó được tổ chức thi cử khoa học. Trong 3 yếu tố này thì số 3 có lẽ là ít quan trọng nhất.

hinh 2

Hãy nhìn môn tiếng Anh, môn tin học, thi trắc nghiệm cũng không thể giết chết các môn này vì nhu cầu cuộc sống bức thiết. Nhà trường dạy không hay thì xã hội sẽ bù lại. Sức sống nằm ở đó.
Môn toán cần cho mọi người, mọi ngành nghề, mọi lứa tuổi – phát biểu này có lẽ không phải chứng minh – ai/ cái gì có thể bóp chết nó? Có lẽ chỉ có thể là chính nó, với nội dung và phương pháp lỗi thời bóp chết chính nó.
🍎Vì sao học sinh lại học chỉ để đi thi?
Có 1 giả định, được nhiều người xác nhận là đúng, đó là “học sinh học chỉ để đi thi” và các trường vì chạy theo thành tích cũng chỉ dạy để học sinh thi đậu.
Tạm chấp nhận giả định này là đúng, hỏi: Nguyên nhân nào khiến học sinh chỉ học để đi thi?
Câu trả lời hay gặp: là bệnh thành tích, ý là học sinh và xã hội chỉ cần bằng cấp.
Hỏi tiếp: vì sao họ không học thật? Mà lại chạy theo thành tích? rồi sau đó lại phải tự bỏ tiến túi ra học thật tiếng Anh, tin học, phân tích kinh doanh, kỹ năng giao tiếp…
Theo quan điểm cá nhân của mình thì: là vì nhà trường không dạy, vì nội dung và phương pháp giảng dạy xa rời thực tiễn. Nội dung học toán 12 năm không giúp học sinh làm được 1 báo cáo bán hàng cơ bản hay 12 năm học văn không giúp học sinh viết 1 tờ đơn xin việc thuyết phục hay nói năng rõ ràng, trọng tâm, có chứng cứ thuyết phục.
🍎Thế nên, thay vì vội qui kết cái chết của môn toán cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì nên trả lời 3 câu hỏi

hinh 3

1- Làm thế nào để học sinh có được tư duy logic toán học, tư duy phản biện?
2- Vì sao toán cần cho mọi người, mọi nghề, mọi lúc, mọi nơi, mà môn toán lại sợ bị bóp chết? Làm sao 1 kỳ thi có thể bóp chết được nó?
3 – Làm thế nào để môn toán SỐNG mạnh khỏe trong đời sống xã hội?
PS. Trao đổi trên tình thần khoa học, không có ý chê bai các quan sát cá nhân của GS Dư hay các ý kiến tương tự.
TS. Vũ Thế Dũng

Để rèn luyện tư duy phản biện toàn diện và tạo thành thói quen tư duy phản biện mỗi khi nhận định một vấn đề, bạn hãy tham gia khóa học Master Mindset do chính Bậc thầy tư duy phản biện Vũ Thế Dũng thiết kế và giảng dạy. 

RE MARKETING MM TKS DIS ADS 1200x628 1

Master Mindset là chương trình được đúc kết từ kinh nghiệm, tình huống thực tế khi giảng dạy cho hơn 20 ngàn học viên của hơn 200 doanh nghiệp và hơn 10 ngàn sinh viên tại 15 trường đại học trên toàn quốc của Tiến sĩ Vũ Thế Dũng và đội ngũ giảng viên Thinking School.   

Chương trình Master Mindset đã được cập nhật hoàn thiện với chuỗi khóa học giúp học viên hoàn thiện toàn diện 8 kỹ năng lõi của Tư duy phản biện: 

  1. Hình thành nhận định 
  2. Phân tích số liệu
  3. Giao tiếp
  4. Tranh luận
  5. Giải quyết vấn đề
  6. Tư duy chiến lược
  7. Phân tích kinh doanh
  8. Học tập và phát triển 

Hãy tìm hiểu và đăng ký chương trình Master Mindset tại đây:https://thinkingschool.vn/master-mindset/

Mọi thắc mắc hay cần hỗ trợ vui lòng liên hệ:

Chia sẻ:
Thinking School @2018