Tin vào ngân hàng?

05/05/2023

Theo lời các khách hàng, giờ là nạn nhân mua phải trái phiếu của công ty An Đông, thuộc Vạn Thịnh Phát, thì họ là khách hàng của ngân hàng SCB và được nhân viên SCB tư vấn mua trái phiếu doanh nghiệp của An Đông với tư vấn sơ sài là đây là sản phẩm mới của ngân hàng, an toàn, lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi. Sự việc có vẻ không phải diễn ra với 1-2 khách hàng mà rất nhiều khách hàng đều có chung phản ánh.

Trên phương diện pháp lý, lỗi đầu tiên là ở khách hàng, họ đã không xem xét kỹ lưỡng mà chỉ nghe tư vấn của nhân viên ngân hàng và quyết định mua 1 sản phẩm. Hợp đồng giấy trắng mực đen rất bất lợi cho họ. Giờ SCB hoàn toàn cho rằng họ vô can, họ chỉ là bên trung gian phân phối sản phẩm trái phiếu này cho An Đông. Và những tư vấn sai nếu có là của nhân viên chứ không phải là chỉ đạo của ngân hàng.

Liệu SCB có thực sự vô can? Và vì sao rất nhiều khách hàng của SCB lại đột nhiên mua trái phiếu của An Đông?

Vì họ tin vào NGÂN HÀNG.

Tin vao ngan hang 1024x683 1

Câu trả lời này thoáng nghe thì bình thường, nghĩ kỹ, mình giật mình.

1. Tin ngân hàng đến đâu?

Đúng, có vẻ như người Việt Nam được dạy là Ngân hàng là nơi đáng tin cậy. Ở các trường kinh tế người ta cũng dạy ngân hàng là kênh gửi tiền an toàn. Khi vụ Vạn Thịnh Phát xảy ra, Ngân hàng Nhà nước cũng có thông cáo đại ý tiền gửi của dân vào SCB sẽ không mất, ngân hàng nhà nước sẽ đảm bảo. Có thực thế không?

Có lẽ khoảng 20 năm gần đây, chưa có vụ ngân hàng nào phá sản và chưa có vụ nào người dân gửi tiền mà ngân hàng mất khả năng chi trả.

Nhưng nếu đi xa hơn về quá khứ thì việc các tổ chức tín dụng, ngân hàng trước đây thu hút tiền gửi rồi mất khả năng thanh toán thì không hiếm. Và khách hàng gửi tiền mất tiền là đã xảy ra với các tổ chức tín dụng thời đó và không có chuyện nhà nước đứng ra trả thay ngân hàng.

Về pháp luật thì ngân hàng là 1 doanh nghiệp, và hiện nay hầu hết là doanh nghiệp tư nhân. Họ hoạt động vì lợi nhuận, và theo qui luật thị trường. Khi làm ăn thua lỗ thì phải phá sản. Nhà nước có chính sách và các biện pháp để quản lý rủi ro hệ thống, nhưng không thể đứng ra trả tiền thay 1 doanh nghiệp tư nhân khi nó làm ăn thua lỗ.

Có chăng là người gửi tiền sẽ được nhận phần bảo hiểm tiền gửi, mà hiện nay qui định tối đa trả cho 1 người có tiền tại ngân hàng là 125 triệu (dù gửi 1 tỷ, 10 tỷ, hay 100 tỷ).

Có thể thấy, TIN VÀO NGÂN HÀNG – là 1 khái niệm cần xem xét kỹ lưỡng và cẩn trọng với mỗi người dân. Ngân hàng nhà nước trong chức năng ổn định nền kinh tế của mình vẫn phải đảm bảo giải thích rõ ràng, tường minh, và đúng pháp luật cho người dân về hoạt động của ngân hàng.

Chính niềm tin không đúng chỗ này đã khiến các nạn nhân mua trái phiếu An Đông và các nhân viên ngân hàng đã lợi dụng niềm tin (và cả sự lười nhác trí tuệ của nạn nhân) của nạn nhân để bán các trái phiếu doanh nghiệp vốn có mức độ rủi ro rất cao.

Thế nên, cần giải thích rõ cho cộng đồng hiểu là: ngân hàng là 1 kênh huy động vốn của nền kinh tế, do các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước kinh doanh, có sự quản lý của nhà nước, nhưng không vì thế mà không có rủi ro. Không thể đặt 100% niềm tin vào họ. Hãy đặt niềm tin vào chính mình và tri thức của mình.

Đặt niềm tin sai thì… vác thang lên hỏi ông trời.

2. SCB có vô can?

Là 1 ngân hàng, hơn ai hết họ có chuyên môn về tài chính và rủi ro, làm sao họ lại cho phép nhân viên mình tư vấn cho 1 lượng lớn khách hàng mua trái phiếu doanh nghiệp? Họ biết gì về tình hình tài chính và rủi ro của doanh nghiệp này mà khuyến khích khách hàng chuyển từ tiền gửi sang mua trái phiếu? Khi thấy có 1 lượng lớn tiền gửi của mình chuyển sang trái phiếu họ đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ gì để điều tra, để xem nhân viên có tư vấn chính xác không? Hay nội bộ ngân hàng có các văn bản chỉ đạo bắt nhân viên tư vấn khách hàng chuyển sang mua trái phiếu? Bên cạnh lý do hoa hồng bán trái phiếu họ có cấu kết gì với An Đông?

Rất nhiều các câu hỏi cần làm rõ để bảo vệ quyền lơi hợp pháp của khách hàng. Đây là 1 tình huống điển hình về đạo đức hành nghề và sự cấu kết bất chínn của ngân hàng với doanh nghiệp.

Các bạn nhân viên ngân hàng SCB và ngân hàng khác, hãy học bài học này sâu sắc- đừng vì tham KPI mà hành xử vô đạo đức, đẩy các gia đình vào cảnh khốn cùng. Có năng lực hãy tự chọn nơi làm việc thật xứng đáng. Nhân quả báo ứng không xa.

PS.

Trái phiếu doanh nghiệp là 1 loại tiền vay của doanh nghiệp thông qua tín chấp chứ không có tài sản thế chấp để đảm bảo nên rủi ro rất cao. Họ không vay được ở ngân hàng vì muốn vay ngân hàng phải có tài sản thế chấp và các phương án kinh doanh, sử dụng vốn chặt chẽ.

Khi doanh nghiệp phá sản thì trái chủ là đối tượng chót bảng được trả tiền sau khi tài sản doanh nghiệp được thanh lý.

Tư vấn sơ sài cho khách hàng do vậy chính là vô đạo đức.

Nguồn: Dũng Vũ


Tham gia chương trình Master Mindset

RE MARKETING MM TKS DIS ADS 1200x628 1

Mọi thắc mắc hay cần hỗ trợ vui lòng liên hệ:

Chia sẻ:
Thinking School @2018