3 yếu tố trong mô hình FTO và phong trào check var
Xem nhanh
Trong mô hình FTO, Opinion (O) là nhận định cá nhân được đưa ra sau khi đã phân tích và so sánh các dữ kiện (Fact) với sự thật (Truth). Các hành động “check VAR” cũng là một cách ứng dụng mô hình FTO, nhờ đó cộng đồng mạng đã rút ra nhận định về các tổ chức, cá nhân đã sử dụng bill fake để khoe mẽ.
Sơ lược về phong trào “check var”
Tối ngày 12/9, Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) đã bắt đầu đăng tải bản sao kê số tiền mà người dân cả nước đóng góp ủng hộ cho đồng bào vùng lũ. Sau đó, chưa rõ là vô tình hay cố ý, phong trào check var rầm rộ nổ ra khiến hàng loạt cá nhân, tập thể bị lộ việc khoe khống số tiền ủng hộ của mình.

Cụ thể, họ dùng app để chỉnh sửa bill chuyển tiền đến Mặt trận tổ quốc Việt Nam từ số tiền chỉ 10k, 50k hay 500k thành 10 triệu, 50 triệu hay thậm chí là 30k thành 30 tỷ. Trước khi MTTQVN công khai bản sao kê thì trend khoe bill chuyển khoản trên mạng xã hội của nhiều cá nhân, tổ chức đã khiến cộng đồng mạng trầm trồ, khâm phục trước tấm lòng nhân ái và số tiền khủng mà họ đóng góp.
Tuy nhiên, sau khi bản sao kê của MTTQVN được công bố, và cộng đồng mạng cùng nhau check lại theo nội dung của những bill chuyển khoản “khủng” trước đó thì bất ngờ nhận ra sự thật là: Rất nhiều bill trong số bill được công bố là bill fake, đã bị chỉnh sửa số tiền lên gấp nhiều lần nhằm mục đích khoe mẽ, hay theo ngôn ngữ mạng xã hội là “phông bạt”.
Ứng dụng mô hình FTO trong “check var”
Phân tích sự kiện này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra trào lưu check var (kiểm chứng lại thông tin) của cộng đồng mạng hiện nay chính là một ví dụ điển hình cho việc ứng dụng mô hình FTO nhằm mục đích thẩm định thông tin để có nhận định tường minh, chính xác hơn. Ở đây, mô hình FTO bao gồm:
- FACT – Dữ kiện: Là các status, tuyên bố, hình ảnh bill chuyển khoản mà các tổ chức, cá nhân đăng trên mạng xã hội.
- TRUTH – Sự thật: Là thông tin chuyển khoản trên bản sao kê mà MTTQVN công bố công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Sau khi so sánh, đối chiếu Fact và Truth thì cộng đồng mạng rút ra OPINION – Nhận định: Các tổ chức, cá nhân đã đăng bill fake sửa khống số tiền lên nhiều lần là những người sống giả dối, thích “phông bạt” nhằm muốn mọi người ngưỡng mộ sự giàu có, tấm lòng nhân hậu của họ.
Trong mô hình FTO, Opinion là nhận định cá nhân được đưa ra sau khi đã phân tích và so sánh các dữ kiện (Fact) với sự thật (Truth). Dựa trên sự kiện “check VAR”, cộng đồng mạng đã rút ra nhận định về các tổ chức, cá nhân đã sử dụng bill fake để khoe mẽ. Những người này bị coi là giả dối, luôn muốn phô trương, tạo ấn tượng rằng họ có lòng hảo tâm lớn. Nhưng thực tế chỉ nhằm mục đích tìm kiếm sự ngưỡng mộ và lợi ích cá nhân. Đây là một bài học quan trọng về sự minh bạch và tính chân thực trong việc chia sẻ thông tin, đặc biệt là trên không gian mạng. Nhận định thông qua mô hình FTO không chỉ phản ánh rõ ràng sự lạm dụng thông tin mà còn giúp cộng đồng nhận diện và phòng tránh các hành vi khoe khống tương tự trong tương lai.
Việc sử dụng mô hình FTO sẽ giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng, khách quan hơn và tránh bị cuốn vào những nhận định sai lầm do thông tin bị chỉnh sửa, thiếu tính xác thực.
Thinking School