Tư duy phản biện khi đọc “Hai người bạn và con gấu”
Xem nhanh
Áp dụng tư duy phản biện vào lời khuyên ở cuối câu chuyện “Hai người bạn và con gấu”, bạn sẽ thấy nảy sinh ra những câu hỏi quan trọng: Có nên khuyến khích trẻ giúp bạn bè bất chấp nguy hiểm của bản thân? Trong tình huống đó, trẻ em nên làm gì để vừa có thể giúp bạn vừa bảo vệ bản thân?
Góc nhìn tư duy phản biện
Câu chuyện “Hai người bạn và con gấu” thường được sử dụng để dạy trẻ em bài học về lòng trung thành và giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn vấn đề ở góc nhìn tư duy phản biện, lời khuyên ở cuối câu chuyện làm nảy sinh ra những câu hỏi quan trọng: Có nên khuyến khích trẻ giúp bạn bè bất chấp nguy hiểm của bản thân? Trong tình huống đó, trẻ em nên làm gì để vừa có thể giúp bạn vừa bảo vệ bản thân?

Có nên khuyên trẻ em bất chấp nguy hiểm để giúp bạn bè?
Thực tế cho thấy việc dạy trẻ giúp đỡ bạn bè là điều quan trọng, nhưng khuyến khích trẻ bất chấp an toàn của bản thân trong những tình huống nguy hiểm có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực. Áp dụng tư duy phản biện để xem xét năng lực của trẻ em thì đa số trẻ em chưa có đủ nhận thức và kỹ năng để đối phó với những tình huống nguy cấp. Vì vậy việc giúp đỡ bạn bè mà không tính đến sự an toàn của bản thân có thể khiến cả hai rơi vào nguy hiểm.
Trường hợp dễ thấy nhất là các tình huống đuối nước ở trẻ em khi đi bơi, đi chơi cùng bạn bè. Nhiều em bé đã gặp nguy hiểm đến tính mạng khi cố gắng nhảy xuống sông, hồ để cứu bạn mình khi thấy bạn bị rơi xuống nước. Tuy nhiên, do không có kỹ năng cứu hộ, chỉ biết bơi bình thường hoặc sức yếu, các bé dễ dàng cùng bị cuốn vào dòng nước sâu. Đây là minh chứng cho thấy không phải lúc nào hành động giúp đỡ cũng an toàn, đặc biệt khi không tính đến năng lực của bản thân.
Trẻ nên làm gì để vừa giúp bạn vừa bảo vệ mình?
Trong câu chuyện hai người bạn và con gấu, thay vì im lặng bỏ mặc bạn, cậu bé có thể nghĩ đến những cách khác như kêu cứu hoặc tìm cách đánh lạc hướng con gấu. Điều quan trọng ở đây là không nên để trẻ tin rằng hy sinh bản thân là giải pháp duy nhất. Trẻ cần được dạy cách xử lý tình huống một cách an toàn và thông minh hơn. Ví dụ, một bé gái thấy bạn mình bị kẹt trong lớp kính ở trường, thay vì cố kéo bạn ra một cách liều lĩnh, cô bé đã nhanh chóng chạy đi gọi thầy cô giáo đến giúp. Kết quả là cả hai bé đều an toàn và cô bé đã học được cách giữ bình tĩnh để xử lý tình huống một cách phù hợp. Ứng dụng tư duy phản biện khi nhìn các sự việc, sự vật, bạn sẽ thấy không phải lúc nào những lời khuyên trong chuyện ngụ ngôn cũng đúng trong mọi trường hợp.
Tự nhận thức về khả năng của mình
Từ các góc nhìn của tư duy phản biện, bài học quan trọng cần dạy trẻ hay chính bạn cũng cần ghi nhớ là giúp đỡ người khác là tốt nhưng cần biết tự nhận thức về giới hạn của bản thân. Không phải lúc nào hành động giúp đỡ cũng nên được thực hiện một cách gấp gáp và thiếu cân nhắc. Hãy dạy trẻ rằng sự giúp đỡ phải đi đôi với an toàn cho bản thân. Điều này không chỉ giúp trẻ có thể hỗ trợ bạn bè một cách hiệu quả mà còn bảo vệ chính mình trong những tình huống nguy hiểm.
Kết luận về các câu chuyện ngụ ngôn
Việc giúp đỡ người khác là một giá trị quý báu mà ai cũng nên rèn luyện. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết cách giúp đỡ một cách thông minh và an toàn. Trẻ em cần được dạy cách nhận diện tình huống, phân tích khả năng của bản thân và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Trong câu chuyện “Hai người bạn và con gấu,” bài học không chỉ dừng lại ở việc giúp bạn, mà còn là bài học về sự tự bảo vệ.
Giúp đỡ người khác không có nghĩa là bất chấp an toàn của mình. Đó là khả năng đưa ra quyết định hợp lý, cân nhắc mọi yếu tố, và không ngại tìm kiếm sự trợ giúp từ người lớn hoặc những nguồn lực đáng tin cậy. Việc rèn luyện khả năng này từ sớm sẽ giúp trẻ trưởng thành, tự tin và biết cách giải quyết vấn đề một cách có trách nhiệm và hiệu quả. Ngoài ra, rèn luyện khả năng tư duy phản biện cho trẻ cũng là cách giúp trẻ có cái nhìn đúng đắn hơn trong nhiều tình huống khác nhau.
Thinking School