Lãnh đạo có cần kiến thức chuyên môn? Có cần phải giỏi chuyên môn hơn cấp dưới?

Chia sẻ:

Câu hỏi xuất phát từ chuyện BS GĐ Bệnh Viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn bị khởi tố về các sai phạm liên quan đến mua thiết bị y tế khi ông còn là giám đốc BV Tim. Từ câu chuyện này nảy sinh 1 số các tranh luận: 1) liệu chúng ta có đang biến 1 bác sĩ giỏi chuyên môn thành 1 nhà quản lý kém?, 2) Lãnh đạo thì không cần giỏi chuyên môn, bệnh viện ở VN có “căn bệnh” kỳ khôi là lãnh đạo chuyên môn không giỏi là nhân viên không phục, nên khi chọn lãnh đạo phải chọn người giỏi chuyên môn.

Vậy lãnh đạo có cần giỏi chuyên môn?

Khẳng định là có. Ai cũng cần phải có chuyên môn. Lãnh đạo cũng phải có chuyên môn. Lãnh đạo tổ chức nào cũng thế, nhưng đặc biệt các tổ chức mà mức độ chuyên môn chuyên sâu là sản phẩm chính cạnh tranh trên thị trường thì chuyên môn càng quan trọng. Các tổ chức như bệnh viện, trường đại học, viện nghiên cứu… đều cần những lãnh đạo có chuyên môn tốt.

ky nang 1

Tuy nhiên, chuyên môn chỉ là điều kiện cần. Bên cạnh chuyên môn, lãnh đạo cần thêm ít nhất 2 nhóm kỹ năng chính: kỹ năng làm việc với con người (human skills) và kỹ năng khái niệm hóa (conceptual skills). Giao tiếp, hiểu, cảm thông, hướng dẫn, đào tạo, phát triển, xử lý mâu thuẫn giao việc, phân quyền là những thành phần của kỹ năng làm việc với con người. Nó là cánh thứ hai căn bản bên cạnh yếu tố chuyên môn của lãnh đạo.

Tuy nhiên, “đầu máy” của lãnh đạo lại là khả năng chỉ ra các con đường rõ ràng trong những bối cảnh mơ hồ để định hướng và giúp tổ chức phát triển. Kỹ năng khái niệm hóa chính là khả năng nhận diện, chuyển hóa các cơ hội, thách thức thành lợi thế cho tổ chức mình. Nó phát lộ rất rõ quan tầm nhìn, chiến lược của nhà lãnh đạo. Tầm nhìn và chiến lược đều đòi hỏi sự “nhìn thấy” tương lai xa của tổ chức ngay từ khi mọi thứ còn rất đơn sơ, mơ hồ. Khi đã thực sự “nhìn thấy” thì lãnh đạo dùng năng lực chuyên môn và con người để dẫn dắt tổ chức đi đến tương lai.

Chuyên môn có đối lập với năng lực lãnh đạo?

Không, nó bổ sung cho năng lực khái niệm hóa của lãnh đạo. Tầm nhìn xa không xuất phát từ “nằm mơ” mà từ sự tích hợp của các loại tri thức khác nhau, mà trong đó chuyên môn sâu, rộng là xuất phát điểm quan trọng của lãnh đạo.

Vai trò chuyên môn là quan trọng, nhưng nó biến đổi ở các vị trí khác nhau. Một bác sĩ đơn thuần giỏi chuyên môn thì giới hạn đóng góp qua việc cứu từng bệnh nhân và công bố các cách thức tốt hơn để cứu người bệnh qua các nghiên cứu. Ở vai trò lãnh đạo, anh có thể định hướng phát triển chuyên môn cho cả 1 tổ chức hàng ngàn bác sĩ, đào tạo họ, phát triển họ, để cả tập thể này cộng hưởng đóng góp cho cộng đồng và cho nền y khoa thế giới. Như thế ở vai trò lãnh đạo, nhà chuyên môn giỏi phát huy năng lực chuyên môn ở tầm cao chứ không phải anh ta bị đánh mất chuyên môn của mình.

Vấn đề hiện nay ở VN là: chọn 1 nhà chuyên môn giỏi để làm quản lý nhưng không đào tạo họ các năng lực lãnh đạo, mà chủ yếu trang bị cho họ các chương trình nặng về chính trị và hành chính. Đây là vấn đề chính chứ không phải việc chọn nhà chuyên môn giỏi làm lãnh đạo là vấn đề. Bạn có muốn người ta thay vì chọn nhà chuyên giỏi, lại chọn 1 anh kém chuyên môn là lãnh đạo ở VN không? Bạn cho là anh này thì chuyên nghiệp lãnh đạo chăng? Cũng nên tự kiểm tra lại giả thuyết này!

Thinkingschool.vn

Thinking School @2018