Mô hình năng lực lõi của Northouse

Chia sẻ:

Lãnh đạo dựa vào kỹ năng (skill approach) là một trong ba cách tiếp cận về lãnh đạo, bên cạnh lãnh đạo dựa vào phẩm chất (trait approach), các lãnh đạo theo hành vi (behavior approach). Cách tiếp cận dựa vào kỹ năng đòi hỏi nhà lãnh đạo cần có kỹ năng kỹ thuật, kỹ thuật con người và kỹ năng khái niệm hóa. Đối với lãnh đạo dựa vào các phẩm chất cá nhân, cách tiếp cận dựa vào kỹ năng khẳng định rằng các năng lực lãnh đạo là có thể học hỏi và phát triển.

Mô hình của Northouse về Skill approach

Mo hinh Northhouse

 

Nguồn: Chương 3, Northouse, Peter G.. Leadership: Theory and Practice (Kindle Location 2762). SAGE Publications. Kindle Edition

Katz (1955, p.34) đã đề xuất một người lãnh đạo hiệu quả cần có cả ba kỹ năng: kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng con người và kỹ năng kỹ năng khái niệm hóa. Đây là cách tiếp cận rất hay. Ở đây, kỹ năng là những gì người lãnh đạo có thể học được (accomplish), trong khi cách tiếp cận dựa vào phẩm chất (trait approach) khẳng định lãnh đạo dựa vào tài năng bẩm sinh.

Kỹ năng kỹ thuật

Kỹ năng kỹ thuật là kiến thức và năng lực chuyên môn về một lĩnh vực cụ thể (Katz, 1955). Ví dụ, một lập trình viên cần có các kiến thức về ngôn ngữ lập trình, cơ sở dữ liệu và nền tảng web. Một nhân viên kế toán cần có khả năng hạch toán, tổ chức hệ thống sổ sách và lập báo cáo dựa vào các chuẩn mực kế toán đã có sẵn. Kỹ năng kỹ thuật đóng vai trò quan trọng đối với việc sản xuất các sản phẩm hiện tại của công ty.

Ở nhân viên cấp thấp, thuần thục các thao tác kỹ thuật là một việc thiết yếu. Tuy nhiên, ở quản lý cấp trung và quản lý cấp cao, việc này lại ít quan trọng hơn. Thay vào đó, các cấp này yêu cầu nhà quản lý phải có được kỹ năng con người và kỹ năng khái niệm hóa.

Kỹ năng con người

Kỹ năng con người là các tri thức và năng lực của nhà quản lý để làm việc với con người. Trong khi kỹ năng kỹ thuật cần thao tác chuyên môn, kỹ năng con người đòi hỏi năng lực làm việc với các nhân viên cấp dưới, cùng cấp và cấp cao hơn. Người lãnh đạo cần có khả năng thấu hiểu được vấn đề và quan điểm, bao gồm của bản thần và những người xung quanh. Một nhà lãnh đạo có kỹ năng con người tốt sẽ tạo bầu không khí thoải mái, tin tưởng để nhân viên đóng góp các ý tưởng, đồng thời khích lệ nhân viên tham gia vào các kế hoạch. Kỹ năng con người là thiết yếu cho cả 3 cấp độ.

Kỹ năng khái niệm hóa

Kỹ năng khái niệm hóa là khả năng làm việc với các ý tưởng và khái niệm. Người lãnh đạo có khả năng này sẽ dễ dàng làm việc với các vấn đề trừu tượng và các giả định thay đổi liên tục. Đồng thời, kỹ năng này giúp nhà lãnh đạo nhìn được điểm chung giữa các sự việc tưởng chừng như không liên quan, đồng thời đánh giá tác động từ sự thay đổi của thị trường đến doanh nghiệp và vạch ra các hoạt động để thích ứng.

Khái niệm hóa là kỹ năng cực kỳ quan trọng dành cho các lãnh đạo cấp cao. Để có được kỹ năng này, nhà lãnh đạo cần có khả năng thiết lập tầm nhìn và quản lý chiến lược, tư duy phản biện, kỹ năng tranh luận, quản lý-chia sẻ tri thức và kỹ năng nghiên cứu, tự học suốt đời.

Nhận định

Cách tiếp cận về lãnh đạo bằng mô hình ba kỹ năng xuất hiện vào những năm 50 của thế kỉ 20. Cho đến những năm 1990, một mô hình phức hợp dựa vào các kỹ năng của lãnh đạo mới xuất hiện. Để có được các kết quả (leadership outcomes), nhà lãnh đạo cần có các phẩm chất cá nhân, kết hợp với các năng lực được đào tạo.

Đây là cách tiếp cận đầu tiên về lãnh đạo dựa vào các kỹ năng cần có. Việc mô tả này khiến suy nghĩ trở thành một lãnh đạo là điều có thể với tất cả mọi người. Thêm vào đó, các kỹ năng thành có thể chia thành các kỹ năng nhỏ hơn để rèn luyện. Nhờ vào đó, các chương trình giảng dạy lãnh đạo có thể dễ dàng được thiết kế để đào tạo các năng lực này.

3 nhom ky nang i 768x430 1

Kết luận

Lãnh đạo dựa vào các kỹ năng là một cách tiếp cận tốt. Mô hình này khẳng định các năng lực lãnh đạo là có thể học hỏi và đào tạo. Nhà lãnh đạo có thể rèn luyện năng lực này bằng việc trau dồi đồng thời cả ba nhóm kỹ năng: kỹ thuât, con người, khái niệm hóa.

 

Thinkingschool.vn

Thinking School @2018