Tương tác và gắn kết khi học online – từ lý thuyết đến số liệu thực tế

Chia sẻ:

MÔ HÌNH TƯƠNG TÁC – GẮN KẾT – CHẤT LƯỢNG – THƯƠNG HIỆU: TRONG GIẢNG DẠY E-LEARNING

Vũ Thế Dũng

CEO & Founder, Thinking School

Tóm tắt

Giảng dạy trên E-learning có đảm bảo chất lượng không? Có tương tác được với người học hay không? Đây là 2 câu hỏi nổi bật thường được các giảng viên và các nhà quản lý giáo dục đề cập khi trao đổi về giảng dạy trên E-learning. Bài viết đề xuất mô hình “Tương tác- Gắn kết- Chất lượng – Thương hiệu” để trả lời hai câu hỏi trên và trình bày các số liệu thực tế từ Thinking School.

Đặt vấn đề

Tháng 2.2020, đại dịch Covid-19 tấn công Việt Nam và thế giới. Các trường trên toàn thế giới bắt buộc phải chuyển từ hình thức lớp học vật lý sang lớp học trên internet hay thường gọi là E-learning. Lúng túng và lo lắng là 2 tính từ mô tả tình cảnh lúc đó của nhiều giảng viên và nhiều trường. Tại thời điểm đó, Thinking School đã mở 1 khóa học cộng đồng “Kỹ năng giảng dạy online” dành cho các thầy cô giáo trên toàn quốc. Tính đến nay đã có hơn 950 giảng viên các cấp từ 45 tỉnh thành trên toàn quốc tham gia. Ở đầu khóa học, khi được khảo sát, “Tương tác với học sinh thấp” và “Chất lượng thấp” là hai lo ngại lớn nhất của các thầy cô đối với hình thức dạy và học online trên E-learning.

Lo ngại này là có cơ sở khi, tỷ lệ hoàn thành các khóa học online trên các hệ thống học tập trực tuyến MOCC dao động trong khoảng 0.7% đến 52.1% với giá trị trung vị là 12.6% theo nghiên cứu của Jordan, K. (2015). Nghiên cứu này cũng cho thấy mức độ cam kết của người học giảm xuống đáng kể khi thời gian học tăng lên. Khóa học càng dài (trên 5 tuần) thì tỷ lệ hoàn thành khóa học càng thấp.  Tỷ lệ hoàn thành khóa học là thước đo quan trọng thể hiện chất lượng của 1 khóa học online. Kết quả này chứng minh lo ngại của các thầy cô giáo và nhà trường là chính xác.

Là một đơn vị đào tạo online tiên phong trong ứng dụng mô hình lớp học đảo ngược (Flipped Classroom) kết hợp với E-learning cho các doanh nghiệp, cộng đồng, và các trường đại học, Thinking School cũng đã phải đối diện với các 2 vấn đề này: tương tác với học viên và đảm bảo chất lượng đào tạo. Bài này trình bày mô hình “Tương tác- Gắn kết- Chất lượng- Thương hiệu” và thực tiễn triển khai đào tạo E-learning tại Thinking nhằm góp phần sáng tỏ hai câu hỏi trên và gợi ý các giải pháp nâng cao tương tác và chất lượng đào tạo.

Tương tác kiểu lớp học truyền thống

Tương tác là khái niệm thường xuyên được các giảng viên và các nhà quản lý giáo dục nhắc đến với e ngại rằng khi chuyển sang dạy trên môi trường online chất lượng tương tác của giảng viên với học viên giảm. Tương tác cao được cho rằng là nền tảng để các giảng viên động viên, kiểm soát học viên, và từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Có thể mô hình hóa quan điểm này thông qua mô hình 1.

Mo hinh 1 tuong tac kiem soat

Ở mô hình 1, mục tiêu của tương tác là để giúp giảng viên “kiểm soát” học viên với các lý do chính: 1) học viên thường thụ động thiếu tự giác, 2) học viên không có khả năng tự học, 3) nếu giảng viên không nhắc nhở liên tục thì học viên sẽ không hoàn thành việc học.  Khi được yêu cầu mô tả chi tiết thế nào là tương tác, các giảng viên đều cho rằng tương tác là các hoạt động giữa giảng viên và học viên trong giờ lên lớp như đặt và trả lời câu hỏi, thảo luận nhóm, chơi game học tập, giao tiếp trực tiếp giữa giảng viên và học viên trong lớp. Rất nhiều giảng viên (nhóm chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy online) cho rằng dạy online trên các hệ thống E-learning, hay các nền tảng live streaming (như zoom, teams, google meet) tương tác rất thấp vì đơn giản là không thấy được người học, không kiểm soát được người học. Kiểm soát việc học của học viên được ngầm hiểu là mục tiêu chính.

Tương tác trong lớp học offline truyền thống hầu hết giới hạn trong giờ lên lớp của giảng viên. Ngoài giờ này, dù có quy định giờ tiếp sinh viên, thì hầu hết các tương tác bên ngoài lớp học cũng khá hạn chế.

Phải chăng online thì không tương tác?

“Các bạn có facebook không? Facebook có tương tác không?” Khi được hỏi câu này, gần như 100% câu trả lời là có tương tác, và hơn 80% cho rằng tương tác trên facebook rất cao. Nghĩa là, vấn đề không phải là online thì kém tương tác, mà hoàn toàn có thể là giảng viên đang chưa có kỹ năng tương tác online.

Vậy tương tác online là như thế nào? Chúng ta sẽ cùng xem xét mô hình 3 yếu tố của Moore (1989).

Mô hình đề xuất của Moore (1989): Tương tác hay gắn kết?

Tuy nhiên có lẽ  vấn đề không chỉ là tương tác (student interaction). Cái quan trọng hơn chính là sự gắn kết (student engagement) của học viên với giảng viên, môn học, và nhà trường.  Kush (2009) định nghĩa gắn kết là sự tham gia của người học vào quá trình học tập. Người học càng tham gia, càng gắn kết với quá trình học tập thì kết quả học tập và mức độ hài lòng của họ với khóa học và nhà trường càng cao ((National Survey of Student Engagement, 2017; Zilvinskis et al., 2017; Lei et al., 2018). Moore (1989) đề xuất mô hình gắn kết người học bao gồm 3 loại tương tác là: tương tác của học viên với nội dung, tương tác của học viên với học viên, và tương tác của học viên với giảng viên.

 

Mo hinh 2 Moore 3 thanh phan

Mô hình đề xuất của Thinking School

Trong quá trình triển khai mô hình Moore (1989), Thinking School đã hiệu chỉnh và phát triển mô hình này theo hai hướng. Một là chúng tôi cho rằng có thêm 1 thành phần nữa của gắn kết đó chính là gắn kết của học viên với nhà trường. Có thể thấy học viên không chỉ gắn kết với bạn bè, thầy cô, môn học, mà còn tương tác với thư viện, sân bóng, ghế đá, hàng cây. Đối với trường online như Thinking School chúng tôi cũng chứng kiến sự gắn kết với nhà trường thông qua tương tác với hệ thống, với các hoạt động ngoại khóa (bài giảng của khách mời, câu lạc bộ dành cho học viên, học viên tham gia chia sẻ trong vai trò khách mời …). Chính vì vậy chúng tôi đề xuất thành phần thứ 4 cho mô hình gắn kết. Hai là, trên phương diện thực nghiệm chúng tôi nhận thấy mối quan hệ nhân quả rất rõ nét giữa mức độ gắn kết của học viên với kết quả học tập, sự hài lòng của học viên với khóa học và nhà trường, và với thương hiệu của nhà trường. Mô hình đề xuất của Thinking School được trình bày ở hình 3.

Mo hinh 3 TKS de

Các giả thuyết nghiên cứu đề xuất

H1: Gắn kết của học viên bao gồm 4 nhóm tương tác: tương tác của học viên với 1) nội dung, với 2) học viên, với 3) giảng viên, và với 4) nhà trường.

H2: Gắn kết càng cao thì chất lượng khóa học càng cao.

H3: Chất lượng khóa học càng cao thì mức độ hài lòng của học viên càng cao

H4: Mức độ hài lòng của học viên càng cao thì thương hiệu của nhà trường càng tốt.

Mô tả chi tiết các thành phần của mô hình

Bảng 1 mô tả chi tiết các hoạt động tương tác chính của học viên với các khóa học online ở Thinking School. Có thể thấy, các hoạt động tương tác rất phong phú, đa dạng, và trải dài cả một quá trình học tập chứ không chỉ tập trung ở các giờ lên lớp.

Bang 1 Cac loai tuong tac

Bảng 2 mô tả chất lượng khóa học và mức độ hài lòng của học viên với 13 khóa học được tổ chức trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 9, 2020 tại Thinking School với 1,126 lượt học viên. Chất lượng khóa học được thể hiện qua tỷ lệ hoàn thành khóa học. Mức độ hài lòng của học viên được đo lường trên 15 tiêu chí (phụ lục 1).

Bang 2 So lieu thuc te

Trong Bảng 2 chúng tôi thống kê 2 nhóm khóa học. Nhóm 1 là các khóa học không thu phí dành cho cộng đồng. Nhóm 2 là các khóa học có thu phí dành cho các khách hàng là doanh nghiệp hoặc các trường đại học. Đối tượng học viên của cả 2 nhóm rất đa dạng từ các bạn sinh viên, đến các bạn trẻ mới đi làm, các nhà quản lý trung, cao cấp của các doanh nghiệp, và các giảng viên, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư của các trường đại học trên toàn quốc. Chất lượng giảng dạy, yêu cầu để hoàn thành khóa học là như nhau đối với các khóa cộng đồng và khóa có thu phí. Một khóa học tiêu chuẩn kéo dài 3 – 4 tuần, với hơn 30 clip bài giảng có sẵn, và 6-8 buổi học trực tuyến live với giảng viên. Để được nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học, học viên phải xem 100% các bài giảng, tham dự tối thiểu 5 buổi học trực tuyến, và hoàn thành 9-10 bài kiểm tra trắc nghiệm, 3 bài tập cá nhân, và 1-2 bài tập nhóm. Khối lượng học tập tương đương với 1 môn 2 tín chỉ.

Ở giai đoạn đầu, khi học viên chưa thực sự tương tác, tỷ lệ hoàn thành khóa học dao động 13%-30% ở các khóa cộng đồng. Sau đó chúng tôi đã rút kinh nghiệm và triển khai triệt để mô hình đề xuất ở Hình 3 với các hoạt động tương tác mô tả trong bảng 1. Khi đó tỷ lệ hoàn thành khóa học ở cả hai nhóm tăng lên rất cao. Từ 40% trở lên với nhóm lớp cộng đồng và trên 80% với nhóm có thu phí. Tính trung bình cho 1,126 học viên của 13 khóa học, có 806 học viên hoàn thành với tỷ lệ 71.6%. So với kết quả nghiên cứu của Jordan, K. (2015) thì đây là 1 tỷ lệ rất cao. Số giờ học trung bình của 1 học viên trên hệ thống được ghi nhận dao động từ 18 giờ – hơn 90 giờ/ học viên/ khóa, với số giờ học trung bình là 46 giờ/ học viên/ khóa.

Trong các yếu tố về tương tác trong bảng 1, chúng tôi nhận thấy có mấy yếu tố đặc biệt quan trọng. Thứ nhất, học viên cần thấy được tầm quan trọng, sự liên quan của nội dung môn học với công việc, và cuộc sống của mình. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến khảo sát nhu cầu học viên đầu khóa học. Yêu cầu học viên đặt các câu hỏi, hay các tình huống cụ thể mà họ quan tâm. Từ đó bài giảng được điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu này. Điều này thực sự đã ảnh hưởng rất lớn lên sự tương tác và gắn kết của học viên với khóa học. Thứ hai, chúng tôi đặc biệt chú trọng nhận xét phản hồi của giảng viên cho các bài tập cá nhân và nhóm. Các nhận xét này phải đúng thời điểm, chi tiết và cá thể hóa với mục tiêu giúp học viên cải thiện chất lượng học tập. Điểm không phải là trọng tâm của chúng tôi, mà phản hồi liên tục giúp học viên tiến bộ mới là mục tiêu chính. Điều này là một thiếu vắng trong các lớp học truyền thống hiện nay khi đánh giá thể hiện chủ yếu qua điểm số và người học chỉ nhận được điểm sau khi đã thi, kiểm tra khá lâu. Quá trình cải tiến bị ngắt quãng ở lớp học truyền thống, còn ở đây, nó diễn ra liên tục. Có khi học viên vừa nộp bài lên hệ thống, 10 phút sau đã có tin nhắn nhận xét và chấm điểm từ giảng viên. Điều này thực sự đã động viên và gắn kết học viên với khóa học. Thứ ba, đánh giá học viên liên tục, toàn diện, đúng thời điểm thông qua cả đánh giá tiến trình (formative assessment) và kết quả (summative assessment). Phụ lục 2 trình bày 1 ví dụ về đánh giá tại Thinking School. Thứ tư, triệt để áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược (Flipped classroom). Do các bài giảng lý thuyết đã có sẵn trên hệ thống, các giờ học trực tuyến, giảng viên không giảng lý thuyết mà chỉ thảo luận các vấn đề quan trọng, nâng cao mà học viên quan tâm; các thời gian khác dành cho hoạt động nhóm như thuyết trình, diễn kịch, tranh luận. Điều này có 2 tác dụng chính. Giờ học sinh động, đi sâu vào các bậc cao cao (3,4, 5,6) của thang Bloom, và số giờ lên lớp trực tiếp của giảng viên giảm đi tối đa, mà chất lượng khóa học vẫn cao, đảm bảo các chuẩn đầu ra.

Đúng như dự đoán, đánh giá của học viên đối với khóa học trên 15 tiêu chí đều được đánh giá cao, với điểm trung bình tích lũy là 4.5 trên 5 (với 1 là rất tệ và 5 là rất tốt). Khi đã có rất nhiều đánh giá tốt từ học viên thì Thinking School cũng nhận được thiện cảm rất tốt từ thị trường và khách hàng. Chúng tôi có được thêm nhiều học viên và khách hàng doanh nghiệp do các học viên cũ giới thiệu. Điều này chứng minh khi chất lượng khóa học tốt, học viên hài lòng, thì thương hiệu của nhà trường cũng trở nên uy tín hơn.

Kết luận

Bài viết tổng kết các kinh nghiệm triển khai các lớp học online tại Thinking School. Chúng ta đã có bằng chứng cho thấy chất lượng của các khóa học online. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật số liệu và kinh nghiệm trong các bài viết tiếp theo về vấn đề này.

Tài liệu tham khảo

  1. Jodan, K. (2015), “Massive Open Online Course Completion Rates Revisited: Assessment, Length and Attrition”, International Review of Research in Open and Distributed Learning Volume 16, Number 3
  2. Lesli, H.J (2019), “Trifecta of Student Engagement A framework for an online teaching professional development course for faculty in higher education”, Journal of Research in Innovative Teaching & Learning
  3. Moore, M. (1989), “Three types of interaction”, in Moore, M.G. and Clark, G.C. (Eds), Readings in Principles of Distance Education, American Center for the Study of Distance Education, University Park, PA, pp. 100-105.

Phụ lục 1: Tiêu chí đánh giá khóa học của học viên

PL1 13 tieu chi danh gia

 

(Thang đo: 1: rất không đồng ý; 5; rất đồng ý)

Phụ lục 2: Ví dụ về đánh giá khóa học trong môn Tư duy phản biện

PL2 Cac diem thanh phan cua mon hoc

Thinkingschool.vn

Thinking School @2018