138 ngàn cử nhân, kỹ sư thất nghiệp – nghĩa là gì?

Chia sẻ:

1.

Báo chí, dư luận hay dẫn các số liệu kiểu như đề bài “Quý 1/2017: Việt Nam có 138 ngàn người có bằng đại học cử nhân, kỹ sư thất nghiệp”. Chỉ cần thế, là nhiều bạn có thể kết luận giờ học đại học chẳng để làm gì, thất nghiệp tràn lan.

Ta lại thử làm toán nhé.

Dữ liệu 1: 138 ngàn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp

Dữ liệu 2: cả nước có 5.1 triệu lao động có trình độ từ đại học trở lên

Lấy 1 chia cho 2, ta có: 2,7%. Hay cứ 100 lao động có trình độ từ đại học trở lên thì có gần 3 người thất nghiệp. Hay có 97,3% lao động có trình độ đại học trở lên có việc làm.

Vậy đáng mừng hay đáng buồn?

Đây là số liệu của cùng 1 nguồn, trong cùng 1 báo cáo “Bản tin cập nhật tình hình lao động Việt nam số 13, quý 1, năm 2017” do Tổng cục Thống kê phát hành.

2.

Nhân đây nói về câu hỏi mà sinh viên hay hỏi: Có còn cần học đại học?

Giờ không lý luận suông nữa, cho bạn số liệu nhé. Đầu tiên là số liệu ở VN (cùng nguồn ở trên)

  • Cứ 100 dân thì có chưa đến 6 người có bằng đại học trở lên
  • Cứ 100 lao động thì có chưa đến 10 người có bằng
  • 2,7% người có bằng đại học thất nghiệp hay 97,3% có việc làm.
  • Thu nhập trung bình là 8,3 triệu tháng hay 4.400 USD/ năm hay gấp 2 lần thu nhập bình quân đầu người của VN, hay cao hơn 38% so với nhóm không có bằng cấp.

Số liệu của Mỹ do College Board 2016 cho thấy:

  • Thu nhập nhóm có bằng ĐH cao gấp đôi
  • Thất nghiệp thấp hơn 1 nửa (4% vs. 8%)
  • Sống lành mạnh hơn thể hiện qua tỷ lệ béo phì, hút thuốc, tập thể thao, hoạt động tình nguyện. Các tỷ lệ này đều tốt hơn hẳn nhóm ít học.
  • Không những thế bố mẹ có học nên nuôi dạy con cũng tốt hơn thể hiện qua tỷ lệ béo phì của con, tỷ lệ đưa con đi thư viện, đọc sách và kể chuyện cho con.

Tóm lại:

Học đại học vẫn là lựa chọn cực đỉnh. Ở VN thì đại học còn đặc biệt tốt vì nếu bạn cho rằng ĐH Việt Nam không tốt thì lý do gì bạn tin rằng những thứ khác tốt hơn??? Cao đẳng, trung cấp, chạy Grab, hay khởi nghiệp??

138-ngàn-cử-nhân-thất-nghiệpNguồn: Thinking School

Thinking School @2018