Tư duy sáng tạo: có nên “quá” phản biện?

Chia sẻ:

Tư duy phản biện có làm giảm tư duy sáng tạo?

Câu hỏi xuất hiện trong lớp tư duy phản biện (TDPB). Học viên cho rằng TDPB, do dựa vào logic, lý trí quá, nên có thể làm giảm tư duy sáng tạo. Theo một cách nào đó tư duy sáng tạo phải được tự do thoát ra khỏi cái hộp logic, của cái thông thường.

Đây là 1 hiểu lầm phổ biến. Chúng ta hay cho rằng rằng người TDPB là người hay lý sự, soi các lỗi, hay nhìn mặt trái của sự việc. Trong khi đó người sáng tạo lại là người phóng khoáng, vượt ra khỏi các khuôn khổ.

Bài này tranh luận rằng TDPB, ngược lại, giúp phát triển tư duy sáng tạo. Khi thực hành thuần thục thì chúng là hai trong một.

Đầu tiên, TDPB, tuy sử dụng rất nhiều logic, nhưng không giới hạn ở đó. TDPB theo mình có 3 yêu cầu chính:

  1. Tư duy vào cái cốt lõi của vấn đề (cái critical), phân biệt được cái cốt lõi và cái không cốt lõi.
  2. Sử dụng các tiêu chuẩn khách quan để phân tích và đánh giá sự vật
  3. Tiếp cận sự vật ở các góc nhìn khác nhau.

 

Tư duy phản biện và tư duy sáng tạo

Mục tiêu chính của tư duy phản biện là nhìn rõ sự vật để từ đó nâng cao chất lượng tư duy.

Thử phân tích 3 yêu cầu trên về TDPB để xem nó giúp gì cho tư duy sáng tạo (tạo ra cái mới).

Nhận diện cái cốt lõi

Nhận diện được cái cốt lõi bên cạnh việc giúp chúng ta tập trung, không lạc lối trong tư duy, thì giúp thế nào cho sáng tạo? Xét một ví dụ truyền thống:

– Thị trường đồ ăn nhanh – fast food- fast và food. Cái nào là chính? Tất nhiên food quan trọng, nhưng cái lõi lại là Fast. Khách hàng cần 1 bữa ăn ổn nhưng nhanh và tiện trên đường đi làm. Các nỗ lực cải tiến nhắm nhiều vào phần nhanh, tiện lợi này như drive throught, delivery, và mở rộng số lượng cửa hàng. Dù số món ăn mới vẫn được phát triển, nhưng họ không cố gắng biến các món ăn này trở thành món ăn cực ngon để cạnh tranh với các nhà hàng đặc sản. Cái đặc sản của họ là tiện và nhanh.

– Thử quay lại ví dụ về đề xuất không sử dụng xe máy của một chuyên gia với TP.HCM mấy tháng trước đây. Rất nhiều người miệt thị, chửi bới. Thực ra quay về vấn đề gốc: đó là nhu cầu vận chuyển từ A sang B. Xe máy chỉ là một trong các phương tiện để đáp ứng nhu cầu đó. Nếu chuyên gia trên có thể đề xuất 1 giải pháp không dùng xe máy mà vẫn đi từ A đến B nhanh, rẻ, tiện hơn thì còn gì hay hơn? Như vậy nhìn thấy cái lõi sẽ cho chúng ta cơ hội để sáng tạo. Và khi có cái nhìn critical thì nỗ lực sáng tạo sẽ có định hướng, có chiến lược.

Sử dụng các tiêu chuẩn khách quan

Sử dụng các tiêu chuẩn khách quan để phân tích và đánh giá sự vật. Ngay ở đây chúng ta đã thấy các cơ hội cho sáng tạo. Nhìn thấy các ưu và nhược điểm của một sự vật chính là cơ hội cho cải tiến cho các giải pháp mới. Phân tích và đánh giá chính là tiền đề của sáng tạo. Điều này cũng làm rõ hơn ý niệm sáng tạo chỉ là tự do, vô tổ chức. Thực ra sáng tạo cũng có thể rất kỷ luật, vì nó cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá các ưu nhược điểm, các phương án để đưa ra các giải pháp mới. Thế nên trên thang Bloom, 6 bậc của nhận thức thì phân tích, đánh giá, và sáng tạo là 3 bậc cuối của thang. Sáng tạo có sự khởi nguồn từ TDPB.

Khi phân tích các thành phần của tư duy, chúng ta sẽ phải xem xét rất nhiều thành phần như: mục đích, khái niệm, góc nhìn, câu hỏi, thông tin, giả thuyết ẩn, hàm ý, kết luận. Khi thách thức từng thành phần này ta sẽ có rất nhiều cơ hội cho sáng tạo.

Đa dạng góc nhìn

Các bạn trẻ hiện nay rất thích chụp hình, selfie, và nhiều bạn chụp được những tấm hình rất đẹp, cùng 1 không gian, nhưng mỗi người lại có góc máy khác nhau cho ra những tấm hình chất lượng cực kỳ khác nhau.

Điểm này cũng làm sáng tỏ một giả thuyết ẩn của câu hỏi trên tựa bài: phải chăng TDPB là tư duy trong khuôn khổ? Rõ ràng không, TDPB nhìn sự vật ở các chiều, góc, hệ thống khác nhau, hoàn toàn out of the box, nên nó là nền tảng cốt lõi cho tư duy sáng tạo

Xem xét 1 ví dụ

Ví dụ 1 đoạn đối thoại giữa giám khảo và nhóm là dự án cộng đồng là cứu chó mèo hoang.

– GK: tại sao nhóm em lại chọn cứu chó mèo hoang?
– Nhóm: vì chó mèo thân với con người.
– GK: vậy không thân thì không cần cứu? (Thách thức giả thuyết, mở ra cơ hội)
– Nhóm: dạ….nhóm em chưa nghĩ đến…
– GK: có bao nhiêu nhóm ở SG đang cứu chó mèo hoang như nhóm em?
– Nhóm: dạ… nhiều lắm….
– GK: cụ thể là bao nhiêu nhóm? Em có thể kể ra 3 nhóm hoạt động nổi bật nhất, họ làm gì? Và nhóm các em làm giống hay khác họ? (Thách thức thông tin và kết quả)
– Nhóm: dạ… em chưa tìm hiểu…
– GK: Theo em nếu trả lời những câu hỏi trên trước khi thực hiện dự án thì kết quả có tốt hơn không?
– Nhóm: dạ, chắc chắn tốt hơn nhiều.

 

Xem thêm: Kỹ năng đặt các câu hỏi sáng tạo SCAMPER

Xem thêm: Đào tạo kỹ năng Giải quyết vấn đề một cách sáng tạo tại Thinking School

Khoa hoc tu duy phan bien

Thinking School @2018