“Lý do chính đáng” và câu chuyện “phá cửa xông vào cưỡng chế người dân”

Chia sẻ:

1. Câu nói: “Nếu khi kiểm tra, người nào ra đường không có lý do chính đáng thì vẫn bị xử lý theo quy định” ông Phó Chủ Tịch Tp.HCM đang rất hot trên mạng. Vì sao?

2. Thứ nhất, lý do chính đáng (cũng giống như “hàng thiết yếu”) là 1 khái niệm mơ hồ. Khi dùng 1 khái niệm mơ hồ thì quản lý chắc chắn sẽ tùy tiện. Thế nên, loài người văn minh mới cần pháp luật và các khái niệm qui định trong pháp luật phải rõ ràng, chính xác, tường minh. Không thể muốn hiểu thế nào thì hiểu. Họp báo của TP đã đưa ra rất nhiều các quy định cụ thể ai được ra đường, nhóm ngành nào được hoạt động trở lại…Vậy thì cứ thế mà làm. Hà cớ gì còn tự ý thêm khái niệm “lý do chính đáng”? Câu nói này từ miệng của Lãnh đạo TP thể hiện cách suy nghĩ và có thể là cơ sở cho sự tùy tiện “phiên dịch” của cấp thừa hành. Mùa dịch vừa rồi chúng ta đã chứng kiến rất nhiều sự tùy tiện vi phạm pháp luật của các nhân viên thừa hành pháp luật. Mà trong các tình huống đó, họ không thừa hành pháp luật, mà họ thừa hành “cái họ hiểu một cách tùy tiện về pháp luật”. Đây là điều hết sức nguy hiểm.

3. Biết là mơ hồ, sao vẫn nói? Có thể là không biết – nếu thế thì thiếu kiến thức. Cũng có thể, biết nhưng vẫn nói. Thì lại hỏi tiếp, vì sao? Có lẽ, mơ hồ mới dễ, muốn làm gì thì làm.

mo hoNguồn hình: Internet

4. Cũng có thể bên cạnh các quy định về đi lại, TP vẫn muốn khuyến nghị người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết. Thì nên nêu rõ là khuyến nghị. Không được phép dùng từ ngữ, hay có ý niệm răn đe người dân mà không đúng quy định của PHÁP LUẬT. Các cơ quan hành pháp phải nhận thức rõ vị trí của mình là BẮT BUỘC CHÍNH HỌ PHẢI HÀNH XỬ ĐÚNG PHÁP LUẬT – chứ không thể nhân danh dịch bệnh hay bất cứ thứ gì khác để làm trái pháp luật. Lãnh đạo thành phố cần răn đe chính các lực lượng hành pháp cấp dưới của mình và nghiêm trị họ nếu vi phạm pháp luật, nếu xâm phạm quyền lợi hợp pháp của dân chúng, chứ không phải răn đe, vô lễ với dân.

5. Trở lại câu chuyện “hùng hổ phá cửa xông vào nhà dân” ở Thuận An, Bình Dương, dù chính quyền đã xin lỗi dân, đã kỷ luật cán bộ, nhưng cần minh bạch làm rõ: Hành vi phá cửa xông vào nhà hợp pháp của cư dân mà chưa có quyết định của các cơ quan có thẩm quyền đã vi phạm các quy định nào của pháp luật? Đây là vi phạm hành chính hay hình sự? Phải xử lý như thế nào?

6. Không thể nhân danh dịch bệnh để làm trái pháp luật. Xử phạt dân theo pháp luật, theo quy định thì xử phạt các cơ quan nhân danh pháp luật phải tương ứng hoặc tăng nặng vì ảnh hưởng rộng lớn của hành vi vi phạm pháp luật của họ.

7. Tại sao cấp dưới dám vi phạm thế? Vì cấp trên mở cửa cho sự tùy tiện. Có quy định ai được đi, ai được kinh doanh, nhưng “tùy ý” thòng thêm 1 câu “lý do chính đáng” thì nghĩa là mở cửa cho sự nhũng nhiễu tùy tiện của cấp dưới.

8. Căn bệnh tùy tiện, nhân danh dịch bệnh, nhân danh pháp luật (mà thực chất là vi phạm nghiêm trọng pháp luật) không chỉ ở các cấp hành pháp, mà còn ở các ban quản lý khu phố, BQL, BQT nhà chung cư, khi tùy tiện đặt ra rất nhiều các quy định của riêng mình. Ở Vinhomes đã có trường hợp BQT và BQL dám cản không cho cư dân (chủ hợp pháp căn hộ) vào nhà sau khi đi làm 3 tại chỗ ở ngân hàng Agribank. Đây là các tội hình sự, nhưng rất nhiều người lại tung hô vì cho rằng đó là bảo vệ đời sống của cư dân.

9. Tôi ủng hộ việc chị Hoàng Thị Phương Lan – nạn nhân vụ cưỡng chế kiện đoàn công tác ra tòa. Hãy hành xử theo pháp luật. Tôi cũng đề nghị chính quyền các cấp hãy thực sự là “công bộc của nhân dân” thay vì đưa ra các tuyên bố như “cha mẹ của dân”.

Vũ Thế Dũng

Thinking School @2018