Sao phải tự chứng minh bản thân trong sạch?

Chia sẻ:

1. Làn sóng đòi các nghệ sĩ in sao kê ngày càng dữ dội. Có ủng hộ, có phản đối.

2. Phản đối thì: 1) pháp luật không yêu cầu, 2) làm vì cái tâm, 3) muốn tố cáo ai thì tố cáo ra pháp luật chứ không được live stream để “vu khống” người ta, 4) người tố cáo chịu trách nhiệm đưa ra bằng chứng chứ không thể bắt người bị tố cáo chứng minh bản thân trong sạch, 5) người ta làm từ thiện đã quá vất vả, thời gian đâu mà sao kê, mà kiểm toán?, 6) người dân tự nguyện đóng góp chứ người ta có bắt buộc đâu, 7) người ta nhận tiền đi làm giúp mình không mang ơn thì chớ giờ lại mắc oán, 😎 người ta đi đâu cũng đã có giấy tờ xác minh của địa phương rồi.

lam sao de chung minh minh trong sach

Nguồn hình: internet

3. Mình tự đặt mình vào vị trí các nghệ sĩ đi làm từ thiện và giả thuyết là mình cực kỳ trong sạch, không tơ túi 1 xu của cộng đồng. Vậy khi có ai đó nghi ngờ mình sẽ làm gì và cảm thấy thế nào? Cảm xúc: chắc cũng sẽ tủi thân, ấm ức, bực bội lúc ban đầu. Nhưng nếu thực sự trong sạch thì mình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho người nghi ngờ và tất cả những người khác cùng có thể xem các bằng chứng thể hiện sự minh bạch.

Mình sẽ cung cấp:
– Chi tiết các khoản thu: bảng tổng hợp và bảng kê chi tiết có xác nhận từ ngân hàng; không chỉ bao gồm bản in mà cả file excel để ai muốn kiểm tra thì có thể tự đối chiếu.
– Chi tiết các khoản chi: bảng tổng hợp, bảng kê các chứng từ, hóa đơn, xác nhận và các hình chụp
– Chi tiết giá mua và nhà cung cấp của các quà tặng: bảng tổng hợp và bảng kê chi tiết, có kè tên và địa chỉ của nhà cung cấp.
– Chi tiết các khoản chi khác: đi lại, ăn uống, vật dụng của đoàn từ thiện
– Danh sách người dân và địa chỉ liên lạc đã nhận quà và tiền của đoàn (cái này có thể ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin cá nhân của người nhận nên có thể cung cấp tên và địa phương, có địa chỉ liên lạc của người đại diện chính quyền địa phương đó)
– Danh sách người tham gia trong đoàn từ thiện
– Lộ trình chi tiết hành trình của đoàn từ thiện
Tất cả những thứ trên mình sẽ đưa lên 1 website cho bất cứ ai muốn xem. Tốt hơn nữa thì sẽ mời 1 công ty kiểm toán độc lập vào kiểm toán tất cả các chi tiết trên và công bố báo cáo kiểm toán.

4. Thực tế, trước đây mình đã có hơn 6 năm làm trưởng Ban quản trị của Tản Đà court – một chức vụ tình nguyện do dân bầu để quản trị hoạt động của nhà chung cư. Giai đoạn đó hàng năm BQT đều mời kiểm toán độc lập (lúc đó luật pháp không yêu cầu) dù số tiền chi hàng năm chỉ 1 vài tỷ và các khoản chi hầu hết là định kỳ và thông qua ngân hàng (như bảo vệ, lao công, ban quản lý, bảo trì, kỹ thuật, điện, nước,..). Chi phí cho kiểm toán không cao và đáng để làm vì nó liên quan đến hàng trăm căn hộ với hàng ngàn cư dân. Và rất may vì đã làm ngay từ đầu, nên sau này có người có ý kiến, cố tình hiểu sai, thì vẫn luôn có đầy đủ bằng chứng, chứng từ và từ kiểm toán độc lập được lưu trữ minh bạch.

lam sao de chung minh minh trong sach 1

Nguồn hình: internet

5. Lúc đó, dù đã làm rất nghiêm túc và chuyên nghiệp cho 1 vị trí “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng mấy năm sau có cư dân thắc mắc, mình cũng khá lo lắng vì không biết có sơ xuất gì không trong quá trình quản lý. Nhưng vì qui trình tốt và thực tâm nên mọi chuyện luôn sáng tỏ.

6. Một số cho rằng các nghệ sĩ không sinh ra để làm từ thiện, nên không thể yêu cầu họ chuyên nghiệp như thế. Nếu không chuyên nghiệp thì chỉ nên lấy tiền túi của bản thân và 1 vài bạn bè thân thiết để làm. Còn khi đã nhận hàng tỷ, chục tỷ, trăm tỷ thì phải chuyên nghiệp, vì ta đã nhận ủy thác rất lớn từ cộng đồng. Nếu đã nhận trách nhiệm thì phải làm cho hết trách nhiệm của mình. Tự trọng chính là chỗ này – biết mình có thể làm gì, đến đâu.

7. Làm từ thiện có cần chuyên nghiệp không? Chắc chắn phải chuyên nghiệp nếu muốn giúp được nhiều người và hiệu quả.

8. Thế giới làm thế nào? Mời xem 2 clip đã quay từ hồi tháng 5 của mình (link bên dưới bài) về các tiêu chuẩn quản trị trong làm từ thiện của charity navigator (tổ chức đánh giá các quỹ từ thiện trên thế giới)

9. Có hai tiêu chuẩn quan trọng: minh bạch và trách nhiệm giải trình. Minh bạch là công bố các thông tin quan trọng của quá trình làm từ thiện; Trách nhiệm giải trình là khi có người thắc mắc thì anh phải giải đáp một cách tốt nhất có thể.

10. Đời người đối diện nhiều tòa án: pháp luật, lương tâm, và dư luận. Là người của công chúng tức là hưởng lợi ích từ sự nổi tiếng trong công chúng, tòa án dư luận là vô cùng quan trọng với nghệ sĩ, thế nên chứng minh bản thân trong sạch chính là vì lợi ích của chính các nghệ sĩ này. Không thể chỉ nhận lời tung hô mà từ chối câu hỏi hoài nghi. Đây cũng không phải chỉ là lời nói thoảng qua nữa, mà nó đã là 1 sự kiện xã hội được rất nhiều công chúng quan tâm. Phớt lờ nó không là giải pháp thông minh. Minh bạch không còn là yêu cầu pháp lý mà là nghĩa vụ đạo đức của những ai nhận tiền từ cộng đồng.

11. Vấn đề khác đặt ra: ngoài các nghệ sĩ, các tổ chức khác thường xuyên kêu gọi đóng góp có minh bạch không? Như MTTQ Việt Nam? Hội chữ thập đỏ? Đóng góp quỹ vaccine? Khi cần tiền thì gửi tin nhắn kêu gọi nhưng dùng tiền thì không thấy gửi tin để báo cáo. Các tổ chức này cũng rất cần minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực thế giới.

12. Mình vẫn hàng ngày chứng kiến các tấm gương làm từ thiện quá đẹp của cộng đồng. Mình vẫn luôn tin vào tấm lòng từ thiện. Các tổ chức, nghệ sĩ khi minh bạch sẽ giúp củng cố niềm tin vào hoạt động này và nâng cao tính chuyên nghiệp của nó.

Vũ Thế Dũng

 

Khoa hoc tu duy phan bien

Thinking School @2018