Làm lạc hướng vấn đề
1. Làm lạc hướng vấn đề bằng Lí lẽ chẻ đôi
Loại ngụy biện này thường phân định một vấn đề thành hai giá trị: trắng và đen, bạn và thù, có và không, v.v.. dù trong thực tế, có hơn hai lựa chọn.
Ví dụ:
“Hoặc là anh hợp tác với tôi hay là anh chống tôi, anh chọn hướng nào, yes hay là no?”
“Đối với Mỹ, anh chỉ có hai lựa chọn: thương hay ghét, trả lời đi!”
Muốn lấy chồng tốt hay chồng giàu? Chọn đi.
2. Làm lạc hướng vấn đề bằng Lí lẽ ngờ nghệch
Loại ngụy biện này, như tên gọi ám chỉ, xuất phát từ sự ngờ nghệch. Một trong những cách nói thông thường nhất trong loại ngụy biện này mà giới ngụy biện dùng là nếu một điều gì đó chưa được chứng minh là sai (hay giả) thì điều đó là đúng (hay thật).
Ví dụ:
“Hiến pháp Úc đã tồn tại cả trăm năm nay, và xã hội ổn định, không có lí do gì phải thay đổi hiến pháp” –> Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội, Hiến pháp chỉ là một trong nhiều yếu tố chứ không phải là lý do duy nhất. Hơn nữa, ngay cả phát biểu ‘Xã hội ổn định’ cũng chưa chắc đã được kiểm chứng.
Chương trình đào tạo này đã chạy ổn định hơn 20 năm nay. Chẳng có lý do gì để thay đổi nó.
Ở VN chưa thấy nhà xuất bản nào làm e-book cả, nên chẳng có lý do gì để sản xuất e-book.
3. Làm lạc hướng vấn đề bằng Lí luận lươn trạch
Loại ngụy biện này cho rằng nếu một sự kiện xảy ra, các sự kiện có hại khác sẽ xảy ra.
Ví dụ:
Khi GS Trương Nguyện Thành của ĐH Hoa Sen mặc quần short trong 1 giờ giảng về Sáng tạo nhằm minh họa 1 ý tưởng về giảng dạy. Một người đã bình luận: Hôm nay ông ấy mặc quần đùi, ngày mai ông ấy mặc quần sịp, mốt cả trường mặc như ông ấy, rồi thì cả nền giáo dục sẽ loạn hết. Đúng là chẳng còn hy vọng gì vào đất nước này!
Hôm nay nhắn tin cho bạn trai, ngày mai hôn nhau, tuần sau thì đi qua đêm, rồi có bầu, đẻ con ra, nó sẽ bỏ rơi con, con không cha sẽ rất khổ sở. Không tin nhắn gì hết!
4. Làm lạc hướng vấn đề bằng Đơn giản hóa vấn đề
Đây là một loại ngụy biện mà người phát biểu cố tình biến một quan niệm trừu tượng thành một điều cụ thể để bắt lấy thế thượng phong trong đối thoại.
Ví dụ:
“Không chỉ VN có luật về An ninh mạng, mà trên thế giới có đến 18 quốc gia khác có luật này” –> Người này đang dùng 18 quốc gia có luật An ninh mạng để thuyết phục việc nên có luật về An ninh mạng nhưng đó không phải là trọng tâm của vấn đề đang tranh luận. Vấn đề chính là Luật An ninh mạng là gì? bao gồm những thể chế, qui định gì? Cơ quan hành pháp là ai? Tất cả những câu hỏi đó cần được trả lời chứ không đơn giản chỉ là câu hỏi có nên có Luật An ninh mạng hay không.
Tham khảo thêm:
Ngụy biện nhóm 1: Thay đổi chủ đề
Ngụy biện nhóm 2: Lợi dụng cảm tính và đám đông
Ngụy biện nhóm 4: Nguyên nhân giả
Trang web tiếng Anh về ngụy biện: https://yourlogicalfallacyis.com