Phân biệt giữa Dữ kiện (khách quan) và Quan điểm (chủ quan)

Chia sẻ:

HỎI NHANH:

Theo bạn, trong 6 phát biểu dưới đây, phát biểu nào đưa ra dữ kiện (khách quan), phát biểu nào đang nói về quan điểm (chủ quan)?

  • Bố anh cao hơn bố tôi.
  • Mẹ tôi tuyệt vời nhất thế giới.
  • Số điện thoại của tôi rất khó nhớ.
  • Độ sâu ở đáy đại dương là 11,030 mét.
  • Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe.
  • Chó Phú Quốc dễ nuôi hơn chú Tây Tạng.

TRẢ LỜI: chỉ có 2 phát biểu thuộc nhóm dữ kiện (khách quan), còn lại là thuộc nhóm quan điểm chủ quan. Vậy phát biểu nào thuộc nhóm nào vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phân biệt rất rõ ràng 2 khái niệm: Dữ kiện và Quan điểm.

dữ kiện vs quan điểm

Vì sao cần phân biệt giữa Dữ kiện và Quan điểm?

Xét về mặt định nghĩa, chắc chẳng mấy ai nhầm lẫn giữa 2 khái niệm ‘Dữ kiện‘ và ‘Quan điểm‘.

Dữ kiện: điều được thừa nhận hoặc đã biết, được dựa vào để lập luận, nghiên cứu, tìm tòi. (Nguồn: soha)

Quan điểm: cách nhìn, cách suy nghĩ, cách xem xét đánh giá về một sự vật, sự việc nào đó. (Nguồn: soha)

Định nghĩa rõ ràng như vậy? Sao chúng ta có thể dùng sai thậm chí đánh tráo khái niệm của 2 từ này được nhỉ?

Ví dụ cụ thể: có bao giờ bạn nghe ai đó nói câu “Em chỉ nói sự thật” hoặc ‘Tính tôi thẳng như ruột ngựa, có sao nói vậy’ chưa? Nếu có thì bạn hiểu ý của họ là gì? Chẳng phải họ đang nói rằng họ chỉ nói ‘sự thật’ mà ‘sự thật’ ở đây là những gì họ cho rằng luôn đúng, ai cũng biết và mọi người phải chấp nhận ‘sự thật’ đó? Chẳng phải họ đang nói rằng những gì họ nói là dữ kiện hay sao?

Xin thưa, đây là một ví dụ điển hình của một hành vi rất phổ biến của chúng ta: chúng ta đang trình bày/phát biểu một quan điểm của mình như một dữ kiện luôn đúng, bất di bất dịch.

Sự nhầm lẫn này tưởng chừng vô hại nhưng lại gây ra những tác hại vô cùng lớn. Bởi vì một khi quan điểm trở thành dữ kiện thì người nói sẽ mất đi khả năng nhìn nhận sự việc ở nhiều góc nhìn và từ đó hạn chế rất nhiều tư duy phản biện của mình.

đăng ký kỹ năng tranh luận

Vậy tôi đang nói dối à?

Sẽ có người đến đây hỏi ‘Thế thì nghĩ sao nói vậy là sai à? Thế tôi nói ra quan điểm của cá nhân tôi thì là không đúng sự thật, là đang nói dối à?’

À không, bài viết này không có ý chê bai sự chính trực, trung thực, và thành thực. Đương nhiên ai cũng có quyền phát biểu ý kiến, quan điểm của riêng mình, ai cũng có quyền NÓI THẬT.

Nhưng có 3 loại sự thật mà chúng ta cần phân biệt rất rõ ràng:

  1. Sự thật cá nhân = quan điểm. Đây là sự thật mà cá nhân mỗi con người chúng ta mặc định, cho là đúng.
  2. Sự thật cộng đồng. Đây là sự thật được hình thành khi chúng ta lặp đi lặp lại 1 điều gì đó quá nhiều lần cho đến khi mọi người ai cũng tin rằng điều đó là đúng. Tôn giáo và chính trị là 2 ví dụ rất cụ thể của sự thật này
  3. Sự thật khách quan = dữ kiện. Đây là sự thật LUÔN LUÔN đúng và được thiết lập không phải do 1 hoặc 1 vài người dựng nên mà là do các phương pháp và công cụ khoa học kiểm chứng được.

Thế nên, từ nay trở đi, trước khi bạn nói ‘Tôi chỉ nói sự thật’, hãy tự đặt cho mình 1 câu hỏi ‘Tôi đang nói sự thật nào trong 3 loại sự thật?’ Trả lời câu hỏi đó sẽ giúp bạn nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn rất nhiều, trả lời câu hỏi đó sẽ làm bạn suy nghĩ sâu sắc hơn, tư duy rành mạch hơn, và có một cái nhìn sáng suốt hơn.

Rồi, hãy quay lại phần HỎI NHANH ở đầu và tự tìm cho mình lời giải nhé.

Nguồn tham khảo: Neil Degrasse Tyson – Vulture 

 

Thinking School @2018