Tư duy tích cực

Chia sẻ:
Gần đây trên mạng xã hội có những bạn luôn thể hiện mình tư duy rất tích cực, ai nói gì “tiêu cực” là bạn nhảy đùng đùng phản đối. Chúng ta thử xem tư duy tích cực là gì?
1. Bạn được hướng dẫn rằng khi nhìn 1 ly nước có 1 nửa. Người tiêu cực sẽ thấy sao ly nước chỉ còn 1 nửa, còn người tích cực sẽ òa lên sung sướng: ôi, ly nước của mình đầy 50%. Đây được coi là tư duy tích cực – cố gắng nhìn thấy mặt tốt của 1 sự việc và ngược lại nếu nhìn thấy mặt chưa tốt thì là tư duy tiêu cực.

 

2. Chồng bạn ngoại tình. Bạn lảng tránh chuyện này, và cố gắng nhìn vào các điểm tốt của anh ấy: luôn chu cấp đầy đủ cho gia đình, luôn nhớ tặng quà cho bạn các dịp lễ, yêu thương các con, và đối xử tốt với gia đình bạn. Bạn thấy khó chịu khi người bạn thân cho biết đã thấy chồng bạn vào khách sạn với người tình. Bạn không muốn nghe điều này vì nó tiêu cực? Người ta dạy bạn, cứ tư duy tích cực đi rồi chồng bạn sẽ quay về với bạn? Cũng có thể, tùy bạn, nhưng chỉ đơn giản nhìn vào điều tích cực thì có lẽ chồng bạn vẫn cứ ngoại tình và bạn vẫn sẽ kìm nén nỗi đau của mình bên trong vẻ ngoài hào nhoáng tích cực.
tư duy tích cực
Nguồn hình: internet
3. Đúng là tư duy tích cực yêu cầu chúng ta nhìn thấy những điểm tích cực của 1 vấn đề, chẳng hạn tìm ra các ưu điểm của đại dịch covid. Nhưng tư duy tích cực còn 1 yêu cầu cốt lõi, quan trọng hơn đó là “năng lực nhận thức thực tiễn một cách khách quan, chính xác”. Nghĩa là, chồng ngoại tình thì nhận thức là chồng đang ngoại tình, ly nước chỉ còn 1 nửa thì nhận thức là nó còn 1 nửa (trong khi mình đang cần 1 ly đầy). Nhận thức được thực tiễn đòi hỏi: 1) có phương pháp và trình độ nhận thức, và 2) sự dũng cảm đối mặt với thực tiễn. Không phải ai cũng có đủ trình độ để nhận thức thực tiễn 1 cách khách quan, đa chiều, và đi vào chiều sâu của sự vật. Muốn có năng lực này phải chịu chấp nhận là mình “dốt” và chịu học hỏi. Cũng không phải ai cũng có thể đối diện với sự thật khách quan như chồng mình ngoại tình. Dũng cảm đòi hỏi bản lĩnh. Muốn có bản lĩnh phải rèn luyện.
4. Như vậy, tư duy tích cực không phải là né tránh sự thật, né tránh những điểm được cho là “tiêu cực” mà phải là chủ động nhận diện được sự đa dạng của vấn đề (tốt, chưa tốt, và xấu) và từ đó tìm ra con đường (giải pháp).
5. Rất nhiều bạn tự cho là “tư duy tích cực” hiện nay đang chỉ cố gắng nhìn sự vật tích cực (theo cách và niềm tin của bạn) mà không có năng lực nhận thức thực tiễn. Ngay cả trong việc nhìn sự việc 1 cách tích cực thì theo quan sát của mình, các bạn cũng chưa có khả năng này. Ví dụ: ngày 22.8, khi TP. HCM chuẩn bị nhờ quân đội phối hợp mua hàng hộ dân và không cho shipper hoạt động. Một số bạn “tích cực” ngay lập tức thể hiện sự tin tưởng, yêu thương các chú bộ đội và phản đối quyết liệt, bất chấp lý lẽ, những ai thảo luận về tính khả thi và hiệu quả của phương án này. Vấn đề không phải là sự tin tưởng hay yêu thương (vốn rất tốt), mà nằm ở khả năng phân tích, nhận thức thực tế, đưa ra thảo luận các góc nhìn, để có thể nhìn rõ hơn thực tiễn, trước khi mù quáng chạy theo niềm tin mơ hồ nào đó. Những người như thế chưa ở bậc tư duy, họ mới dừng ở bậc cảm xúc cảm tính, hỗn độn và mơ hồ.
lạc quan trong mọi tình huống
Nguồn hình: internet

 

6. Vì ở bậc cảm tính, các bạn thích thú học hỏi các ngụy biện rẻ tiền như: “người ta làm người ta đã tính toán hết, ai chả biết, nhưng người ta vẫn làm nghĩa là chọn lựa này đúng”, “ông chắc khôn hơn người ta”, “có giỏi thì làm đi, đừng chém gió”, “có giỏi thì góp ý trực tiếp cho lãnh đạo, chém trên đây làm gì”, “lo mà tập trung việc của mình cho tốt, ở đó mà soi mói việc của người khác”.
7. Ở một chiều ngược lại, 1 số bạn lại chỉ chuyên tập trung vào đưa các thông tin “tiêu cực” – nhìn cái gì cũng xấu, cũng đáng lên án. Hai nhóm “tích cực” và “tiêu cực” này thực tế cùng “level” về năng lực tư duy – cả hai đều chưa lên đến bậc tư duy mà chỉ ở bậc cảm nhận cuộc sống bằng giác quan, vì không có năng lực nhận thức thực tiễn khách quan.
8. Tóm lại, tư duy tích cực có nền tảng từ năng lực nhận thức thực tiễn khách quan, nhìn ra các cơ hội trong mọi thách thức, và từ đó phát triển. Biểu hiện đầu tiên của tư duy tích cực là khả năng thu thập thông tin đa chiều, phân tích, đánh giá, nhận định và khả năng tranh luận dựa trên luận điểm và bằng chứng. Còn chỉ cố gắng tỏ ra tích cực thì cũng chỉ là tích vào trong bụng 1 mớ bòng bong không lời giải mà thôi.
 Vũ Thế Dũng

Khoa hoc tu duy phan bien

Thinking School @2018