Các cặp tư duy đối lập

Chia sẻ:

Các cặp tư duy đối lập

Với lộ trình phát triển của tư duy, chúng ta có khả năng sử dụng nhiều loại tư duy khác nhau để giải quyết các vấn đề trong công việc, cuộc sống. Trong các cặp tư duy bên dưới các bạn thường sử dụng loại tư duy nào và gặp vấn đề gì với nó? cùng đọc và tự phản chiếu

Tư duy hệ thống vs Tư duy chức năng/Cục bộ

Tư duy cục bộ chỉ nhìn thấy một sự việc riêng lẻ, hay chỉ nhìn thấy các giải pháp mang tính cục bộ. Sử dụng khi cần xem xét chi tiết một sự vật, một chi tiết. Biểu hiện của tư duy cục bộ là tính phiến diện chỉ nhìn sự vật ở một góc duy nhất

Ví dụ: chỉ đánh giá vẻ đẹp của cái mũi của một người

Trong khi đó tư duy hệ thống thì nhìn toàn diện các yếu tố cấu thành sự việc và tương quan qua lại giữa các yếu tố này.

Ví dụ: đánh giá toàn bộ các yếu tố trên khuôn mặt bao gồm mắt, trán, lông mày, mũi, môi, gò má, tai…

Tư duy vận động vs Tư duy tĩnh

Tư duy tĩnh là chỉ nhìn một vấn đề, hệ tượng ở một thời điểm và cho là nó không thay đổi, trong khi đó tư duy động nhìn sự vật trong chuỗi thời gian từ quá khứ, hiện tai và đến tương lai để thấy sự thay đổi, vận động của sự vật hiện tượng.

Ví dụ: Để đánh giá một con người không chỉ tại hành động của anh ngày hôm nay mà còn nên nhìn nhận anh ta trong cả một giai đoạn dài trước đó và tiềm năng phát triển trong tương lai.

Tương tự như câu chuyện của Ông Đoàn Ngọc Hải, khi yêu cầu đập bậc thêp của nhà hát cải lương trên đường Trần Hưng Đạo vì lấn chiếm vỉa hè, Ông vấp phải phản ứng của dư luận vì bậc thềm có thể đã tồn tại hơn 50 năm trước, trước khi có con đường như ngày nay (yếu tố lịch sử) – chính là điển hình của góc nhìn vận động.

Tư duy cạnh tranh vs Tư duy bao cấp

Tư duy cạnh tranh dựa trên niềm tin rằng càng cạnh tranh bình đẳng thì chúng ta càng mạnh mẽ lên. Càng dám cạnh tranh với người giỏi nhất, công ty tốt nhất thì chúng ta càng trưởng thành. Người có tư duy cạnh tranh biết rằng mình là chủ thể quyết định sự thành bại của chính mình và doanh nghiệp mình. Ngược lại người sợ cạnh tranh thì thiếu tự tin, chỉ muốn dựa dẫm vào sự hỗ trợ của người khác, của nhà nước, hay do các ưu thế độc quyền nào đó thì đó đang có tư duy bao cấp, ỷ lại.

Tư duy bao cấp, ỷ lại phổ biến trong đời sống từ trong gia đình, đến công ty và ngoài xã hội.

Một trong những ví dụ đắt giá năm 2018 đó là tình huống Vinasun, dù là công ty tư nhân nhưng vẫn luôn lên án UBER, GRAB mà không trực diện chấp nhận cạnh tranh.

Cac cap tu duy doi lap

Tư duy khách hàng vs Tư duy nhà nước

Về cơ bản giống với tư duy cạnh tranh tuy nhiên trong tư duy khách hành đặt khách hàng là tài sản của doanh nghiệp, trân trọng và phục vụ họ tốt nhất. Ngược lại tư duy nhà nước là tư duy ban phát, khách hàng là đối tượng được ban phát và khách hàng phải xin xỏ mới được hưởng dịch vụ phần nhiều (do tính độc quyền của dịch vụ).

Một ví dụ thấy rõ nhất là dịch vụ công chứng, nếu bạn ra văn phòng công chứng thì nhanh gọn; còn vào phường để chứng giấy tờ thì nhiêu khê, chờ ông này bà kia. Đó cũng là lý do tại sao ủy ban phường và văn phòng công chứng cạnh nhau nhưng văn phòng công chứng luôn đông đen còn ở phường thì lác đác vài người.

Tư duy học hỏi vs Tư duy tự hài lòng, thỏa mãn

Tư duy học hỏi là nhìn sự vật, sự việc luôn có điểm cải tiến, luôn có điều hay để học. Người có tư duy học hỏi họ luôn thấy vẻ đẹp của việc họ làm và nhìn ra những điều hay để học, và liên tục cải tiến. Ngược lại là tư duy tự hài lòng, thỏa mãn, người có tư duy này luôn hài lòng với thứ đang có, chấp những thứ hiện tại mà không có sự điều chỉnh nào.

Cặp tư duy này thường thấy rõ trong đội nhóm sẽ có nhân viên liên tục tiến bộ, cải thiện, hỏi được cái mới, nhưng cũng có người mãi vẫn như vậy mà không có thay đổi dù đã được nhắc nhở đào tạo nhiều lần.

Tư duy hành động vs Tư duy nói, bàn ra, không làm

Tư duy bàn ra, nói, không làm là tư duy của những người bao cấp, chỉ đạo, trốn tránh không không muốn học hỏi. Họ chỉ giỏi võ mồm, chia sẻ không làm, hoặc thấy ý của người khác hay thường bàn ra, bàn lùi, ngụy biện để thoát khỏi những ý tưởng, công việc. Ngược lại là tư duy hành động, người có tư duy này thể hiện sự quyết liệt, mạnh mẽ, ý tưởng đi đôi với triển khai, hành động và thể hiện sự quyết liệt, nói là làm, không bàn đi bàn lại nhiều. Và kết quả thường đi đôi với ý tưởng của họ.


Khoa hoc tu duy phan bien

Thinking School @2018