10 tiêu chuẩn của tư duy phản biện

Chia sẻ:

10 tiêu chuẩn của Tư duy phản biện

Phần 1

Phần 2

Phần 3

Khi đánh giá 1 câu chuyện, 1 vấn đề chúng ta thường bị cảm tính. Do đó, để tránh cảm tính chúng ta cần có các tiêu chuẩn khách quan để đánh giá. Trong nội dung này, Thinking School chia sẻ 10 tiêu chuẩn quản trọng và phổ biến sử dụng trong mọi mặt của đời sống. Khi tiếp cận với 10 tiêu chuẩn, thoạt đầu các bạn sẽ có cảm giác đơn giản, nhưng đòi hỏi phải nỗ lực rèn luyện mới có thể áp dụng một cách linh hoạt và hiệu quả.

Tiêu chuẩn 1: Ý nghĩa, quan trọng

Đối với tiêu chuẩn này chúng ta sẽ xét về mức độ quan trọng của chủ đề hay vấn đề đang thảo luận, đó có phải thực sự là trọng tâm hay đang bàn những chuyện ngoài lề râu ria. Các câu hỏi bên dưới sẽ giúp bạn kiểm tra được mình có thỏa mãn tiêu chuẩn này không

– Đây có phải là vấn đề quan trọng nhất cần xem xét không?
– Đây có phải là ý niệm/ý tưởng trung tâm cần tập trung vào không?
– Những sự kiện nào trong số những sự kiện này là quan trọng nhất?

Tiêu chuẩn 2: Liên quan

Với tiêu chuẩn này, bạn sẽ biết được vấn đề đang giải quyết hay chủ đề đang thảo luận có liên quan với câu hỏi cần trả lời không, từ đó chọn đúng nội dung cần làm, việc cần làm, vấn đề cần tập trung. Các câu hỏi:

– Điều đó liên quan thế nào đến vấn đề?
– Điều đó có liên quan gì đến câu hỏi?
– Điều đó giúp gì cho chúng ta trong vấn đề này?

Tiêu chuẩn 3: Rõ ràng

Nói rõ, giải thích rõ những nội dung, chủ đề chưa rõ. Ví dụ: tao mới đập chết con mọi, nếu bạn chưa biết con mọi là con gì thì nên hỏi người nói để được nắm rõ hơn (Con mọi là con muỗi,từ địa phương ở miền trung). Các câu hỏi sử dụng:

– Bạn có thể nói rõ hơn không?
– Bạn có thể cho 1 ví dụ?
– Bạn có thể minh họa cho điều bạn muốn nói?

Tiêu chuẩn 4: Đúng đắn

Làm sao để biết được dữ liệu này có đúng không, tin tức này có chính xác không là nội dung của tiêu chuẩn này muốn đề cập. Do đó nguồn trích dẫn sẽ là cơ sở để giúp chúng ta biết được có đạt được tiêu chuẩn này không. Các câu hỏi nên đặt để kiểm tra ở tiêu chuẩn này

– Làm sao ta có thể kiểm tra được chuyện đó?
– Làm sao chúng ta biết được điều đó là đúng?
– Làm sao chúng ta có thể chứng thực hay kiểm nghiệm được chuyện đó?

Tiêu chuẩn 5: Chính xác

Một trong những lỗi hay gặp phải là sự mơ hồ. Ví dụ: chiều nay đi nhậu nha, nếu chỉ nói thế này thì có khả năng chuyện này không diễn ra, nhưng nếu tốt hơn: chiều nay 5h, tại quán ba gác, 25 Trường Sơn, Bắc Hải, Quận 10, HCM, nhậu nhé. Trong ví dụ này cho thấy cùng là chuyện đi nhậu nhưng mệnh đề 2 tốt hơn rất nhiều so với mệnh đề 1, sự việc ở mệnh đề 2 chắc chắn và khả năng diễn ra cao hơn nhiều. Các câu hỏi ở tiêu chuẩn này

– Bạn có thể nói cụ thể hơn không?
– Bạn có thể cho tôi nhiều chi tiết hơn không?
– Bạn có thể chính xác hơn không?

10 tieu chuan cua tu duy phan bien

Hình: 10 tiêu chuẩn của tư duy phản biện

Tiêu chuẩn 6: Tính trọn vẹn (Hệ thống)

Trong tiêu chuẩn này nhắc chúng ta cần xem xét đầy đủ các thành phần, mối tương quan giữa các thành phần của một sự vật, hiện tượng để từ đó có góc nhìn toàn diện nhất. Câu cần trả lời trong tiêu chuẩn này

– Chúng ta xem xét tất cả các thành phần của vấn đề chưa?
– Chúng ta xem xét sự tương quan giữa các thành phần với nhau hay chưa?
– Chúng ta xem xét các vấn đề trong hệ thống toàn diện của nó hay chưa?

Tiêu chuẩn 7: Chiều sâu

Giống như tảng băng, sẽ có phần nỗi và chìm, thường chúng ta sẽ thấy phần nỗi mà quên đi phần chìm bên dưới. Ở tiêu chuẩn này, nhắc chúng ta khi đánh giá một vấn đề cần nhìn thấu bên dưới những thứ mà chúng ta có thể bỏ quên. Cụ thể các câu hỏi bạn trả lời cho tiêu chuẩn này:

– Những yếu tố nào làm vấn đề này trở nên khó?
– Những điểm phức tạp của vấn đề này là gì?
– Những khó khăn nào mà ta cần xữ lý?

Tiêu chuẩn 8: Chiều rộng

Bên cạnh chiều sâu, trong tiêu chuẩn 8 nhắc chúng ta nhìn vấn đề ở các góc nhìn khác, ngay cả góc nhìn đối lập hay góc nhìn của các sự việc tương tự để có thể thấy được vẻ đẹp của các góc nhìn từ đó có cải tiến cho chính bản thân. Các câu hỏi cần trả lời

– Chúng ta cần xem xét những viễn tưởng nào khác nữa không?
– Chúng ta cần xem xét góc nhìn nào khác nữa không?
– Có góc nhìn đối lập nào chưa được xem xét?
– Chúng ta có cần nhìn theo những cách khác không?

Tiêu chuẩn 9: Logic

Tiêu chuẩn này nhắc chúng ta xem xét tính liên kết, kết nối giữa các nội dung, các đoạn, các chủ đề, giữa sự vật, sự việc và hiện tượng và nguyên nhân. Các câu hỏi cần trả lời ở tiêu chuẩn này:

– Tất cả chuyện này có ý nghĩa không?
– Đoạn đầu với đoạn cuối có hợp với nhau không?
– Những gì bạn nói có xuất phát từ bằng chứng không?
– Có ngụy biện nào trong lập luận?

Tiêu chuẩn 10: Công bằng

Chúng ta có thiên vị, có thành kiến trong các góc nhìn? chúng ta có đặt quyền lợi mình lên trên là nội hàm của tiêu chuẩn này. Các câu hỏi trả lời ở tiêu chuẩn này:

– Chúng ta có bất cứ tư lợi nào trong vấn đề này không?
– Chúng ta có trình bày vấn đề một cách khách quan, trung thực các quan điểm của người khác?
– Các tiêu chuẩn chúng ta áp dụng có giống nhau không?

Phần 1

Phần 2

Phần 3


Khoa hoc tu duy phan bien

Thinking School @2018