Thực tế là
Thực tế là, ai mà mua xe ô tô Việt Nam với giá vài tỷ? Điên à?
Thực tế là, thầy không hiểu đâu, lý thuyết thì thế thôi, chứ khách hàng không chịu mua giá cao đâu, bán cao tí là họ chuyển sang mua của đối thủ hết
Thực tế là muốn bán hàng thì phải chia chác, phải có % cho người mua, không thì họ không mua đâu. Có % sản phẩm tệ cũng mua, không thì tốt mấy, rẻ mấy cũng không bán được. Thực tế là thế.
Thực tế là không ai dùng smart phone để đặt xe ôm hết. Xe ôm đầy đường, ngoắc cái là có, smart phone làm gì?
Thực tế là trà chỉ dành cho người già, cho ba má hay ông bà thôi, teen với thanh niên tụi nó không uống trà đâu. Ảo tưởng ah?
Ai mà mua xe ô tô Việt Nam với giá vài tỷ? Điên à?
Thực tế là: chúng ta rất hay nghe những câu “thực tế là”. Thực tế, đây có phải là hiện thực phổ quát không? Hay chỉ là 1 kinh nghiệm, 1 quan sát, 1 trường hợp của cá nhân người nói? Cái quan sát đó, cái kinh nghiệm đó có thể không sai, nó đúng với hiện trạng của người đó với các điều kiện đi kèm.
Cái mà những người hay nói “thực tế là” không thấy chính là có rất nhiều “thực tế” và “sự thật” khác nhau. Thế nên chúng ta đã thấy trà sữa được bán cho teen, và cả nước bắt xe ôm bằng điện thoại. Những người làm nên những điều này không phải không thấy cái “thực tế là” của người kia nói, mà khác là họ dám kiến tạo nên 1 thực tế mới, xuất sắc hơn, hay hơn.
Tư duy đóng băng (fixed mindset) chính là chỗ này – không thể nhìn xa hơn cái kinh nghiệm (vốn dĩ rất hạn chế) của bản thân. Mặt khác, lại rất có nhu cầu thể hiện mình biết “thực tế là”. Những người không chấp nhận thực tế là…tức là bắt đầu đi vào tư duy phát triển (growth mindset)
Tư duy phát triển
Vậy người như thế nào là người có tư duy phát triển? Đó là những cá nhân nhận thức được rằng tài năng, kiến thức, kinh nghiệm có thể được đào tạo, trau dồi, bồi dưỡng qua 1 quá trình đầu tư về công sức, chiến lược, và đóng góp từ những người khác. Những cá nhân này không để ý lắm đến việc làm sao họ có thể thể hiện sự thông thái của họ với người khác; thay vào đó, họ tập trung năng lượng của họ vào việc lĩnh hội.
Theo quan sát của người viết, tư duy phát triển hiện đang là một từ cửa miệng của rất nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua trao đổi và trò chuyện, người viết nhận thấy sự hiểu thấu đáo khái niệm tư duy phát triển đại đa số còn hạn chế và còn nhiều hiểu lầm. Dưới đây là 3 hiểu lầm phổ biến mà Tiến sĩ Carol Dweck của Đại học Stanford nghiên cứu và tổng hợp được (nguồn: Harvard Business Review):
- Ai cũng có tư duy phát triển. Chúng ta thường nghĩ rằng thái độ cởi mở, linh hoạt tương đương với việc có tư duy phát triển. Điều này đúng nhưng chưa đủ: con người mỗi chúng ta là 1 sự tổng hòa của Tư duy đóng băng (fixed mindset) và Tư duy phát triển. Dù chúng ta có cởi mở đến mấy thì tư duy đóng băng luôn tồn tại và không mất đi. Ý thức được điều này sẽ rất có ích trong việc phát triển và cải thiện bản thân.
- Chỉ cần động viên và thưởng là sẽ kích thích được tư duy phát triển. Điều này rất nguy hiểm đặc biệt trong các doanh nghiệp. Khích lệ động viên nhân viên nỗ lực là tốt nhưng nỗ lực mà không đi đến thành quả thì điều này hoàn toàn không tốt. Do đó, điều đặc biệt quan trọng là ngoài việc động việc nỗ lực học hỏi, làm mới bản thân thì còn cần phải khích lệ các hành động cụ thể để tạo được sự phát triển: học hỏi từ người khác, thử các chiến thuật mới, hoặc rút được kinh nghiệm của thất bại để đi đến thành công.
- Cứ truyền thông là điều gì đến sẽ đến. Tư duy phát triển, trao quyền, đổi mới… đều là những từ được doanh nghiệp sử dụng nhiều lần. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang ở trạng thái ‘truyền khẩu hiệu’ thay vì thực sự sống, học tập, và làm việc theo Tư duy phát triển. Các tổ chức cần phải biết chấp nhận rủi ro khi khuyến khích tư duy phát triển. Đôi khi, tổ chức vẫn cần thưởng cho nhân viên thực hiện dự án mặc dù dự án không đạt được mục tiêu ban đầu kỳ vọng vì điều đó thể hiện sự cam kết với sự phát triển của thành viên trong tổ chức.